Bột đã là món ăn quen mặt với các mẹ và trẻ em thời kỳ đầu ăn dặm. Mẹ băn khoăn về những gói bột được đóng gói sẵn liệu có an toàn?
Mẹ đang tìm công thức xay bột cho bé ngay tại nhà?
Nếu mẹ đang đi tìm cách để tự tay làm bột cho con nhỏ thời kỳ đầu ăn dặm – dấu mốc “trưởng thành” đầu tiên của trẻ thì trong bài viết này, mình xin gửi đến các mẹ công thức xay bột cho bé ăn dặm ngay tại nhà cực đơn giản chỉ trong vài bước !
Ăn dặm là gì?
Ăn dặm là giai đoạn bé chuyển từ ăn sữa mẹ hoặc sữa công thức (SCT) sang các món ăn, thực phẩm đa dạng, phong phú và “người lớn” hơn.
Ăn dặm cũng là giai đoạn bé cần hấp thụ nhiều dinh dưỡng hơn, cần thiết cho sự phát triển của trẻ nên việc lên một thực đơn hấp dẫn, dễ ăn và bổ dưỡng rất quan trọng cho trẻ giai đoạn này.
Bé bao nhiêu tuổi thì nên ăn dặm?
WHO khuyến cáo nên cho bé ăn dặm từ 6 tháng tuổi – đây là giai đoạn bé đòi hỏi nhiều chất dinh dưỡng nhất, hợp lí nhất để chuyển từ thức ăn chính là sữa mẹ/sữa công thức (SCT) sang các món ăn khác.
Đồng thời, mẹ nên cho bé bắt đầu ăn dặm khi có những dấu hiệu sau:
- Bé có thể tự ngồi vững hoặc ít cần đến sự giúp đỡ
- Có thể tự giữ thẳng đầu
- Tự cầm đồ đưa vào miệng một cách chính xác
Tuy nhiên, mẹ lưu ý không nhầm lẫn với những dấu hiệu như đòi ăn sữa nhiều hơn, thích ngậm tay, hay tỉnh vào ban đêm. Đây không phải dấu hiệu chính xác để bé sẵn sàng ăn dặm.
Nếu ít hơn 5 tháng tuổi bé đã có những biểu hiện kể trên, tốt hơn hết nên xin ý kiến của chuyên gia, bác sĩ.
Không nên cho bé ăn dặm quá sớm (ít hơn 4 tháng tuổi) vì dễ tăng một số nguy cơ dị ứng với thức ăn ở trẻ.
Giai đoạn ăn dặm của trẻ nhỏ thường kéo dài từ 6 tháng tuổi đến 2 tuổi.
Nguyên liệu xay bột cho bé ăn dặm tốt nhất
Nói đến nguyên liệu để xay bột cho bé ăn dặm an toàn, cơ bản nhất chính là gạo tẻ. Thêm một chút gạo nếp để tăng sự mềm dẻo và ngậy mùi của bột là hoàn thành.
Vì sao hai nguyên liệu này lại “đáng tin” đến thế?
Chính là bởi giá trị dinh dưỡng cực kỳ ấn tượng dưới đây:
Thành phần dinh dưỡng chứa trong gạo tẻ
Điều mà đa số các mẹ băn khoăn khi chọn nguyên liệu chế biến cho con ăn dặm chính là giá trị dinh dưỡng của chúng.
Gạo tẻ – ít ai biết được – chứa rất nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho sức khỏe. Cụ thể:
- Protein (chất đạm): 7,8 g
- Chất béo: 1000 mg
- Canxi: 30 mg
- Chất xơ: 400 mg
- Nước: 13,5 g
- Tinh bột: 76,1 g
- Sắt: 1,3 mg
- Vitamin B1: 100 mcg
- 344 kcal/100 g gạo tẻ
Và một số chất khác như: Kali (241 mg), Natri (5 mg), Vitamin PP (1,6 g), Phốt pho (104 mg), Tro (800 mg)
Tuy không chứa đầy đủ tất cả các chất dinh dưỡng cần thiết nhưng nhìn chung đây đều là các chất an toàn và tốt cho sức khỏe.
Ngoài ra, trong gạo tẻ không có chứa cholesterol rất có lợi cho hệ tim mạch.
Với các vitamin và khoáng chất còn thiếu, các mẹ có thể bổ sung cho con bằng các thực phẩm khác, cũng góp phần tăng hương vị cho món ăn.
Thành phần dinh dưỡng chứa trong gạo nếp
- Protein (chất đạm): 8,2 g
- Canxi: 32 mg
- Chất béo: 1,5 g
- Tinh bột: 74,9 g
- Chất xơ: 600 mg
- Vitamin B1: 100 mcg
- Vitamin B2: 100 mcg
- Nước: 13,6 gam
- 346 kcal/ 100 g gạo nếp
Ngoài ra còn một số chất khác: Sắt (1,2 mg), Vitamin PP (2,4 g), Natri (3 mg), Kali (282 mg)
Tro (800 mg), Phốt pho (98 mg).
Gạo nếp tuy chỉ tham gia với “vai trò” tăng độ béo ngậy, mềm mịn của bột những giá trị dinh dưỡng của gạo nếp cũng không hề thua kém gạo tẻ.
Gạo nếp chỉ được thêm vào bột với số lượng ít vì hàm lượng chất béo trong gạo nếp nếu ăn nhiều sẽ gây hại cho sức khỏe và hệ tim mạch hoặc một số tình trạng như khó tiêu, đầy bụng ở trẻ.
Công thức xay bột cho bé ăn dặm
Mình sẽ hướng dẫn các mẹ 2 công thức xay bột cho bé ăn dặm ngay tại nhà cực đơn giản.
Công thức xay bột cho bé ăn dặm bằng gạo tẻ và gạo nếp
Nguyên liệu mẹ cần chuẩn bị:
- Các mẹ chỉ cần chuẩn bị gạo tẻ và gạo nếp theo tỉ lệ 8:1
- Rây lọc, máy xay
Cách xay bột cho trẻ ăn dặm:
Bước 1: Vo gạo với nước, nhặt sạch sạn. Vớt ra rổ để ráo nước.
Bước 2: Trộn đều gạo nếp và gạo tẻ với nhau
Cho hỗn hợp vào máy xay trong khoảng từ 2 đến 4 phút đến khi bột mịn.
Bước 3: Sau đó dùng rây lọc để lọc bột và cho vào máy xay thêm một lần nữa cho bột thêm mịn.
Bước 4: Cho bột vào lọ thủy tinh kín hoặc cho vào ngăn mát tủ lạnh để bảo quản được lâu và an toàn hơn.
Công thức xay bột cho bé ăn dặm bằng gạo tẻ
Nguyên liệu mẹ cần chuẩn bị:
- Gạo tẻ
- Nước ấm
- Máy xay
Cách xay bột cho trẻ ăn dặm:
Bước 1: Vo sạch gạo tẻ, sau đó đem ngâm cùng nước ấm trong 15 phút cho đến khi gạo mềm.
Bước 2: Đổ gạo vừa ngâm vào rổ, đợi ráo nước rồi rang trên chảo, vặn lửa vừa. Không nên rang quá chín mà chỉ chín tới hoặc gần chín là được (nếu quá tay sẽ làm hỏng bột)
Bước 3: Đổ bát gạo vừa rang vào máy xay, xay gạo trong khoảng từ 2 đến 4 phút.
Bước 4: Dùng rây lọc lọc những hạt to để thu được hỗn hợp bột mịn. Có thể rây đi rây lại nhiều lần cho bột thêm mịn tùy thích.
Bước 5: Bảo quản phần bột xay trong hũ thủy tinh kín.
Có nên xay bột với các loại hạt và đậu khác không?
Mình vẫn khuyên các mẹ nên xay bột cho bé ăn dặm bằng gạo tẻ và gạo nếp như thông thường.
Tuy kết hợp thêm các loại hạt và đậu khác cũng tốt, nhưng để dạ dày của con có thể tiếp nhận, tiêu hóa một các tốt nhất thì mẹ vẫn nên hỏi ý kiến của các chuyên gia dinh dưỡng nhé.
Ăn dặm an toàn cho trẻ
- Thời gian đầu bắt đầu cho con ăn dặm, mẹ nên cho bé ăn từ từ, dùng thìa 5ml cho con ăn từng chút một để bé dần làm quen với mùi vị thức ăn.
- Nếu bé ăn dặm sớm (trước 6 tháng), mẹ nên đặc biệt chú trọng quan sát biểu hiện của con, lựa chọn thực đơn hợp lý, chủ yếu cho con làm quen với cách ăn mới, không ép con ăn.
- Luôn đặt trẻ trong ghế ăn có cài quai
- Mẹ nên nhận biết các dấu hiệu ho, sặc, nghẹn,… và nắm được cách sơ cứu kịp thời cho con
- Chú ý khi sơ chế các món ăn có xương, dễ nuốt, nghẹn
Nguyên tắc vàng cho trẻ ăn dặm theo chuyên gia
- Tăng dần độ thô, chú trọng cho bé làm quen với cách ăn, đồ ăn.
- Cho bé làm quen với các loại thực phẩm, món ăn đa dạng, mới mẻ.
- Chỉ cho trẻ ăn gạo tẻ trắng giai đoạn đầu.
- Nên cho bé ăn thanh đạm, không nêm quá nhiều gia vị trước khi bé đủ 1 tuổi
- Chỉ cho bé tập ăn hải sản khi đã sang tháng thứ 7, 8
Những nhóm chất dinh dưỡng cần thiết cho trẻ ăn dặm
Các mẹ thường băn khoăn lên thực đơn ăn dặm như thế nào để đảm bảo dinh dưỡng cho con.
Vậy các chất cần thiết cho trẻ trong bữa ăn là gì?
Các mẹ cần phải biết 4 nhóm chất cơ bản sau:
- Nhóm tinh bột: Có trong các loại thực phẩm như khoai, gạo, ngô,…
Đây là nhóm chất không thể thiếu nhưng mẹ cũng đừng cho bé ăn nhiều thực phẩm có chứa tinh bột quá vì dễ dẫn đến những tình trạng như khó tiêu, dị ứng,…
- Nhóm chất béo: Có trong các loại bơ, dầu (dầu ô liu, dầu mè, dầu gấc, mỡ…)
Nên sử dụng các loại dầu chưa qua xử lý, còn nguyên chất để giữ được chất dinh dưỡng cần thiết.
- Nhóm chất đạm: Có trong các loại trứng, thịt, cá…
Cũng như nhóm tinh bột, mẹ không nên cho bé ăn quá nhiều thức ăn chứa đạm (protein), tránh dẫn đến các trường hợp như rối loạn tiêu hóa, biếng ăn… ở trẻ.
- Nhóm vitamin và chất xơ: có trong các loại rau củ.
Nhiều mẹ hay ép con ăn quá nhiều rau vì nghĩ rằng ăn càng nhiều thì càng tốt. Nhưng các thực phẩm này không cung cấp năng lượng nên điều này là không cần thiết.
Món ăn dặm thơm ngon chế biến cùng bột gạo xay mẹ nên tham khảo
*Nguyên liệu mẹ cần chuẩn bị:
- Bột gạo: 10 gam
- Nước: 200ml
- Lá rau cải: 10 gam
- Dầu ăn
- Thịt ức gà: 10 gam
*Cách chế biến bột gạo xay với ức gà và rau cải xanh:
Bước 1: Rửa sạch thịt ức gà rồi cho vào máy xay xay cho đến khi nhuyễn.
Bước 2: Rửa sạch lá rau cải. Đổ 200ml nước vào nồi và đun sôi, cho lá rau cải vào luộc đến khi chín.
Bước 3: Vớt rau ra, để nguội. Khi rau nguội thì nghiền nhuyễn rau.
Bước 4: Cho bột gạo đã xay vào nồi nước rau, đun vừa lửa, khuấy đều tay tránh cho bột không bị vón cục hoặc cháy.
Bước 5: Sau khoảng 2 – 3 phút thì cho thịt gà vào khuấy đều tay, vặn lửa nhỏ, tiếp tục khuấy cho đến khi cả bột và thịt gà đều chín.
Bước 6: Cho rau cải đã nghiền nhuyễn vào nồi, khuấy đều hỗn hợp rồi tắt bếp. Múc ra và thêm 2 thìa cà phê dầu ăn vào trộn đều. Cho bé thưởng thức ngay khi còn nóng ấm.
Lời kết
Trong bài viết trên, mình đã đồng hành cùng mẹ tìm hiểu 2 công thức xay bột cho bé ăn dặm thơm ngon chỉ trong vài bước ngay tại nhà.
Ăn dặm là giai đoạn vất vả nhất và cũng đánh dấu mốc “trưởng thành” đầu tiên của con. Hy vọng bài viết này đã giúp ích phần nào cho các mẹ trong việc lên thực đơn và tự xay bột cho bé.
Bài viết cho mẹ tham khảo: Tổng Hợp Các Loại Bột Ăn Dặm Cho Bé 4 Tháng Tuổi