Trong hành trình phát triển của trẻ nhỏ, cột mốc ăn dặm đóng vai trò rất quan trọng. Bổ mẹ cần xác định cho trẻ ăn dặm thời gian nào là hợp lý và cách thức phù hợp nhất. Hiện nay có rất nhiều nguồn thông tin khiến bố mẹ bối rối trong quá trình cùng con bước vào hành trình ăn dặm. Vì vậy, bài viết này sẽ giúp bố mẹ có cái nhìn tổng quan hơn về việc ăn dặm và cách làm xúc xích cho bé ăn dặm đơn giản tại nhà.
Khi nào bé cần ăn dặm?
Giai đoạn sơ sinh từ 0 – 6 tháng tuổi nguồn dinh dưỡng chủ yếu và tốt nhất cho bé chính là sữa mẹ. Sữa mẹ không chỉ là nguồn thức ăn đầy đủ dinh dưỡng mà còn dễ tiêu hóa, giúp trẻ dễ hấp thụ, tăng cường hệ miễn dịch và đặc biệt an toàn tuyệt đối với sức khỏe của trẻ.
Tuy nhiên, WHO (Tổ chức Y tế Thế giới) đã khuyến cáo bố mẹ nên cho bé ăn dặm ở cột mốc 6 tháng tuổi. Vì thời điểm này trọng lượng của bé tăng gần như gấp đôi so với giai đoạn sơ sinh, đồng nghĩa với việc nhu cầu dinh dưỡng cũng tăng thêm, lúc này sữa mẹ chỉ có thể đáp ứng khoảng 70% nhu cầu của bé. Hệ tiêu hóa của bé ở giai đoạn này đã tương đối hoàn chỉnh để có thể hấp thụ những thực phẩm đặc và phức tạp hơn sữa mẹ.
Nhưng cơ thể các bé sẽ không hoàn toàn giống nhau, việc xác thời điểm tập ăn sẽ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, sự phát triển và khả năng ăn thô sau này của bé. Bố mẹ có thể quan sát các dấu hiệu sau đây để xác định thời điểm ăn dặm phù hợp với trẻ:
- Bé thường xuyên đói, hoặc đòi bú thêm
- Trước đây ban đêm bé ngủ rất ngoan nhưng giờ lại thường xuyên thức đòi bú
- Ánh mắt của trẻ háo hức khi thấy đồ ăn
- Bé có thể ngồi vững vàng
- Bé hay mút tay hay đưa đồ chơi lên miệng
Sau khi đã xác định được thời điểm ăn dặm phù hợp, bố mẹ nên xây dựng một thực đơn ăn dặm cho bé. Thực đơn nên dựa trên tháp dinh dưỡng gồm nhiều nhóm thực phẩm khác nhau từ những thực phẩm cần bổ sung nhiều sau đó giảm dần lên cao tương ứng với nhóm thực phẩm bổ sung ít và hạn chế ăn.
- Nhóm tinh bột, đường, ngũ cốc các loại: Bố mẹ có thể bổ sung tinh bột đường cho bé từ ngũ cốc và các loại củ như gạo, khoai lang, mì, bánh mì, nui, bún, đường, bắp,… Nhóm tinh bột là nhóm thực phẩm chính cung cấp năng lượng cho sự phát triển cơ thể và các hoạt động của bé. Tinh bột sẽ hỗ trợ trong quá trình cấu tạo nên tế bào và các mô, đồng thời cung cấp một lượng lớn năng lượng cho hệ thống thần kinh trung ương.
- Nhóm rau củ, trái cây giàu vitamin, chất xơ: Đầu tiên phải kể đến vitamin A, một loại vitamin giúp mắt sáng, mang lại làn da khỏe mình, được tìm thấy nhiều trong cà rốt, bông cải xanh, đậu nành… Tiếp theo chính là vitamin C, góp phần tăng sức đề kháng, xây dựng hệ miễn dịch cho bé không bị tác động bởi tác nhân bên ngoài như vi khuẩn. Những loại trái cây như xoài, cam, bưởi… chứa nhiều vitamin C và chất xơ có lợi cho bé. Để hỗ trợ hệ thần kinh phát triển mạnh, thúc đẩy sự phát triển tế bào thì bố mẹ đừng quên bổ sung thêm nhóm vitamin B.
- Ngoài ra, bổ sung sắt cho bé để chống việc thiếu máu. Bổ sung canxi hỗ trợ quá trình phát triển khung xương, răng chắc khỏe.
- Nhóm sữa và các chế phẩm từ sữa: Ngay từ lần đầu ăn dặm, bố mẹ có thể cho bé ăn váng sữa và phô mai. Kết hợp phô mai xay cùng trái cây hoặc nấu chung với bột/cháo xay nhuyễn cho bé ăn dặm. Lưu ý khi nấu phô mai với bột, cháo của bé, bố mẹ nên kết hợp những thực phẩm phù hợp để không làm lấn át mất vị phô mai.
- Nhóm chất đạm: Thịt, cá, trứng và các loại hạt giàu protein. Chất đạm góp phần phát triển cơ bắp, hoàn thiện hệ thống miễn dịch để bé luôn khỏe mạnh, Ngoài ra, chất đạm giúp hệ thống thần kinh trẻ phát triển, giúp trẻ thông minh hơn
- Nhóm chất béo: Vai trò chủ đạo của chất béo chính là kích thích tạo những cơn thèm ăn ở bé. Đồng thời, lượng chất béo phù hợp sẽ hỗ trợ cơ thể bé hấp thu tốt các nhóm vitamin tan trong dầu như A, D, E, K… Các mẹ có thể bổ sung chất béo cho bé từ việc bổ sung vào bữa ăn khoảng 10ml các loại dầu từ thực vật như dầu mè, dầu oliu, dầu đậu nành,…
- Nhóm cuối cùng là muối và đường: Các chuyên gia khuyến cáo trẻ dưới 1 tuổi, bố mẹ không nên nêm gia vị vào đồ ăn. Cơ thể bé có thể hấp thụ đủ lượng muối và đường từ những thực phẩm trong bữa hàng ngày. Vì vậy, việc nêm gia vị vào thức ăn dặm cho bé là không cần thiết, có thể khiến bé bị dư muối, dẫn đến thận phải hoạt động quá sức. Ngoài ra, việc dư muối có thể làm bé phát triển chậm, biếng ăn.
Một số lưu ý khi chế biến đồ ăn dặm cho bé
- Đầu tiên, bố mẹ cần sơ chế sạch các nguyên liệu chuẩn bị cho bữa ăn của bé. Việc sơ chế và lựa chọn nguyên liệu rất quan trọng vì món ăn của bé không dùng gia vị nên cần giữ được độ tươi ngon của thực phẩm. Bố mẹ cần gọt sạch vỏ các loại rau củ, cắt bỏ phần mỡ của thịt, đối với gia cầm thì cần bỏ hết phần da.
- Bố mẹ có thể dùng nồi hấp, lò vi sóng hay nồi áp suất chuyên dụng nhưng phải đảm bảo thực phẩm cần được nấu chín hoàn toàn. Thành phẩm không nên quá đặc hay quá lỏng.
- Thực phẩm sau khi sơ chế hoặc đã nấu chín xay nhuyễn, bố mẹ có thể bỏ vào hộp thủy tinh hoặc nhựa cho vào tủ lạnh. Đối với ngăn mát bảo quản khoảng 2 ngày, còn với ngăn đông trong vòng 1 tháng trở lại. Thức ăn nên được rã đông bằng lò vi sóng. Trên mỗi hộp bảo quản, bố mẹ nên ghi chú tên thức ăn và hạn sử dụng.
Những dụng cụ bố mẹ cần chuẩn bị cho bé ăn dặm
- Dụng cụ cho bé ăn dặm:
- Thìa muỗng: chất liệu nhựa mềm, silicon, đầu nhỏ vừa với miệng bé.
- Bát đĩa: ưu tiên chất liệu nhựa tốt không chứa BPA, dễ vệ sinh, khó rơi vỡ. Bé sẽ thích thú hơn với những loại có hình thù ngộ nghĩnh.
- Khay ăn dặm nhiều ngăn: giúp bố mẹ có thể để được nhiều thức ăn khác nhau, làm phong phú thêm bữa ăn của bé.
- Cốc uống nước: Bố mẹ có thể chọn trong hai loại là cốc mỏ vịt hoặc cốc gắn ống hút. Loại cốc có tay cầm 2 bên sẽ giúp bé dễ tự uống.
- Yếm ăn: Sử dụng yếm ăn để hạn chế việc bé làm bẩn quần áo khi ăn. Bố mẹ có thể lựa chọn yếm với nhiều chất liệu khác nhau như vải, yếm Nilon, yếm nhựa.
- Ghế tập ăn: Nên ưu tiên chọn những ghế dễ vệ sinh, dễ điều chỉnh độ cao hoặc dễ mang đi xa khi cần thiết. Bố mẹ nên cho bé tập quen với ghế ngay từ những ngày đầu ăn dặm.
- Dụng cụ cần chuẩn bị để chế biến đồ ăn dặm cho bé:
- Nồi hấp/ nồi áp suất: Việc sử dụng nồi chuyên dụng sẽ giúp bố mẹ dễ dàng nấu mềm thức ăn, tiết kiệm thời gian mà vẫn giữ được dưỡng chất trong thực phẩm.
- Máy xay: Thức ăn dặm của bé cần mêm, nhuyễn dễ nuốt nên máy xay không thể thiếu
- Hộp trữ thức ăn: Việc sơ chế thực phẩm để vào hộp đựng thức ăn và bảo quản trong ngăn đá tủ lạnh giúp bố mẹ tiết kiệm khá nhiều thời gian, phân chia khẩu phần ăn khoa học hơn. Bố mẹ nên lựa chọn những sản phẩm nhựa/ thủy tinh an toàn.
03 cách làm xúc xích cho bé ăn dặm đơn giản tại nhà
Làm xúc xích từ thịt heo
- Nguyên liệu cần chuẩn bị
500 gram thịt heo ( phần mông), thịt ngon sẽ bao gồm cả thịt nạc và mỡ
200 gram lòng non
Rượu trắng: 15ml
Giấm 50ml
Gia vị: Đường, muối
Dụng cụ cần thiết: Nồi hấp, âu đựng thịt, dây buộc, phễu hoặc túi bắt kem
- Cách làm:
Bước 1 Sơ chế lòng:
Đem lòng xả dưới vòi nước sạch, bố mẹ nên dùng giấm và rượu trắng bóp thật kỹ để khử hết mùi hôi của lòng, cắt bỏ luôn lớp mỡ dính ở bên ngoài.
Cạo thật sạch lớp phấn bên trong để ruột mềm và mỏng, giúp xúc xích ngon và để được lâu hơn
Rửa đến khi ruột sạch và mỏng, vuốt hết nước và lộn ngược lại như ban đầu
Đem phần ruột đã làm sạch phơi nắng một lát để vỏ dai hơn.
Bước 2 Phần nhân xúc xích:
Rửa sạch thịt lợn, thái nhỏ cho vào máy xay, xay đến khi thịt đạt đến độ mịn tối đa thì dừng lại
Cho thịt đã xay vào âu sau đó nêm gia vị sao cho vừa
Sau khi trộn đều tất cả, dùng màn bọc thực phẩm bọc lại rồi cho vào ngăn mát tủ lạnh để trong khoảng 30 phút để thịt thấm gia vị
Bước 3 Nhồi thịt vào lòng non:
Lấy thịt ra khỏi tủ lạnh, cho thịt vào túi bắt kem (hoặc dùng phễu)
Cắt một đầu lòng non, nhồi thịt vào rồi vuốt nhẹ từ từ xuống tận đáy. Lưu ý không nên nhồi quá chặt hay quá nhiều thịt vì khi hấp, thịt có thể nở ra làm vỡ lòng.
Bước 4: Hấp xúc xích:
Trước khi hấp, bạn nên đâm thủng vài lỗ trên xúc xích để khi hấp phần vỏ không bị vỡ vì căng hơi
Hấp cách thủy xúc xích trong khoảng thời gian 20 – 30 phút. Lưu ý để xúc xích vào khi nước lạnh, hấp bằng nước nóng dễ làm vỡ phần vỏ xúc xích
Ngay khi lấy xúc xích ra, bỏ ngay vào nước lạnh để xúc xích được bóng và giòn hơn.
Làm xúc xích cho bé từ tôm
- Nguyên liệu
80 gram tôm
10 gram thịt lợn nạc
20 gram lòng trắng trứng
5 gram tinh bột ngô (bắp)
Vài giọt nước cốt chanh
Một ít dầu ăn (tốt nhất nên dùng các loại dầu thực vật như olive)
- Cách làm
Bước 1 Sơ chế nguyên liệu:
Tôm sau khi bóc vỏ, lấy sạch phần chỉ đen sau đó cắt nhỏ. Thịt lợn rửa sạch cắt nhỏ.
Bước 2: Làm phần nhân:
Cho tôm và thịt vào máy xay, thêm lòng trắng trứng, vài giọt nước cốt chanh. Sau đó xay hỗn hợp đến khi thịt đạt đến độ mịn tối đa thì dừng lại.
Bỏ hỗn hợp đã xay ra bát, thêm tinh bột ngô vào quết đều theo một chiều. Cho hỗn hợp vào túi bắt kem, lấy 1 miếng giấy bạc để nướng, quét thêm lớp dầu ăn chống dính.
Bước 3 Hấp xúc xích: Cho hỗn hợp vào giấy bạc cuộn 2 đầu lại cho kín. Sau đó đem hấp cách thủy tầm 15 phút.
Làm xúc xích cho bé từ đậu hũ takano
Đậu hủ takano là một loại thực phẩm cung cấp rất nhiều canxi và protein, cực kỳ lành tính, dễ chế biến, phù hợp với trẻ ở mọi lứa tuổi. Okara là một loại bột màu vàng, được lấy trong quá trình làm đậu nành. Okara chứa ít chất béo, nhiều protein, sắt và cả canxi..
- Nguyên liệu
Đậu hũ takano: 3 gram
Cà rốt: 5 gram
Hành tây: 5 gram
Thịt gà: 15 gram
Bã đậu nành Okara: 10 gram
- Cách làm
Bước 1: Cho đậu hũ takano đã chuẩn bị vào máy xay và xay nhỏ
Bước 2: Cắt lát nhỏ cà rốt và hành tây
Bước 3: Xay nhỏ thịt gà
Bước 4: Cho tất cả đậu hũ, cà rốt, hành tây, thịt gà vào trộn đều
Bước 5: Sử dụng bột okara trải thành lớp mỏng (như cuốn chả), cho một lượng hỗn hợp vừa đủ ở bước 4 lên, quần thành dạng dài (tạo hình như xúc xích)
Bước 6: Cho vào nồi nước đun sôi trong 5 phút
Ăn dặm là một cột mốc ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển về cả thể chất và trí tuệ của bé. Do đó, bố mẹ nên lựa chọn phương pháp ăn dặm đúng cách và phù hợp nhất với bé nhà mình. Mong rằng qua bài viết này sẽ giúp bố mẹ có thêm nhiều thông tin hữu ích về việc ăn dặm cũng như cách làm món xúc xích cho trẻ ăn dặm tại nhà đơn giản.
Bố mẹ có thể tham khảo thêm cách làm dầu gấc cho bé tại đây!