Ăn dặm là một cột mốc quan trọng của trẻ nhỏ. Vì vậy các mẹ, đặc biệt là phụ nữ lần đầu làm mẹ, hẳn sẽ luôn băn khoăn làm sao để chế biến những món ăn vừa ngon, vừa bổ dưỡng để bé tập làm quen với “những món ăn của người lớn”.
Bột gạo được biết đến như nguyên liệu dồi dào chất dinh dưỡng cần thiết. Vì thế, các món ăn chế biến từ bột gạo luôn được các bà, các mẹ ưu ái hơn cả.
Trong bài viết này, mình sẽ chia sẻ với các mẹ cách nấu bột gạo cho bé ăn dặm đơn giản, dễ làm chỉ trong vài bước !
Ăn dặm là gì?
Ăn dặm là giai đoạn bé chuyển từ ăn sữa mẹ hoặc sữa công thức (SCT) sang các món ăn, thực phẩm đa dạng, phong phú và “người lớn” hơn.
Ăn dặm cũng là giai đoạn bé cần hấp thụ nhiều dinh dưỡng hơn, cần thiết cho sự phát triển của trẻ nên việc lên một thực đơn hấp dẫn, dễ ăn và bổ dưỡng rất quan trọng cho trẻ giai đoạn này.
Bé bao nhiêu tuổi thì nên ăn dặm?
WHO khuyến cáo nên cho bé ăn dặm từ 6 tháng tuổi – đây là giai đoạn bé đòi hỏi nhiều chất dinh dưỡng nhất, hợp lí nhất để chuyển từ thức ăn chính là sữa mẹ/sữa công thức (SCT) sang các món ăn khác.
Đồng thời, mẹ nên cho bé bắt đầu ăn dặm khi có những dấu hiệu sau:
- Bé có thể tự ngồi vững hoặc ít cần đến sự giúp đỡ
- Có thể tự giữ thẳng đầu
- Tự cầm đồ đưa vào miệng một cách chính xác
Tuy nhiên, mẹ lưu ý không nhầm lẫn với những dấu hiệu như đòi ăn sữa nhiều hơn, thích ngậm tay, hay tỉnh vào ban đêm. Đây không phải dấu hiệu chính xác để bé sẵn sàng ăn dặm.
Nếu ít hơn 5 tháng tuổi bé đã có những biểu hiện kể trên, tốt hơn hết nên xin ý kiến của chuyên gia, bác sĩ.
Không nên cho bé ăn dặm quá sớm (ít hơn 4 tháng tuổi) vì dễ tăng một số nguy cơ dị ứng với thức ăn ở trẻ.
Giai đoạn ăn dặm của trẻ nhỏ thường kéo dài từ 6 tháng tuổi đến 2 tuổi.
Các phương pháp ăn dặm
Hiện nay có 3 phương pháp ăn dặm cho bé phổ biến nhất: Phương pháp ăn dặm truyền thống, phương pháp ăn dặm kiểu Nhật, phương pháp ăn dặm BLW.
Phương pháp ăn dặm truyền thống
Đây là phương pháp phổ biến nhất tại Việt Nam. Mẹ sẽ cho bé làm quen với chế độ ăn dặm bằng các món cháo dinh dưỡng.
*Cách chế biến các món ăn dặm theo phương pháp truyền thống:
Nấu các loại bột hoặc cháo rây trộn lẫn với các loại đạm, vitamin (rau củ) được nghiền nhuyễn.
*Các giai đoạn ăn dặm:
Bột cháo vỡ → Cháo nguyên hạt → cơm nát → cơm
*Ưu điểm:
- Đảm bảo các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của trẻ: chất đạm, vitamin, chất bột đường, khoáng chất.
- Bé chuyển dần từ bột cháo vỡ cho đến cơm như người lớn, độ thô tăng dần như vậy giúp dạ dày bé làm quen từ từ với thức ăn, tránh tình trạng đau dạ dày.
- Các món ăn đều dễ chế biến, tiết kiệm thời gian và dễ bảo quản. Để an toàn, bố mẹ có thể nấu trước rồi cấp đông, khi dùng chỉ cần giã đông và hâm nóng là đã hoàn thành món ăn dặm cực ngon và tiện lợi cho con.
*Nhược điểm:
- Bé dễ chán ăn vì các loại gia vị trộn lẫn trong bát cháo, khó cảm nhận vị ngon
- Dễ dẫn đến tình trạng trẻ ăn chậm, ngậm trong miệng, không nhai thức ăn, biết ăn thô muộn
Phương pháp ăn dặm kiểu Nhật
Phương pháp ăn dặm kiểu Nhật chú trọng việc cho bé ăn thô sớm, đúng phong cách dạy trẻ của người Nhật Bản.
Từng loại thức ăn sẽ được để riêng vào từng bát hoặc khay riêng để trẻ tự ăn.
*Ưu điểm:
- Bữa ăn phong phú, đa dạng với các món ăn khác nhau, tạo hứng thú cho bé
- Bé biết ăn thô sớm
- Nguyên liệu chế biến hoàn toàn tự nhiên, không lo tác hại từ các sản phẩm đóng gói, công nghiệp
- Rèn được cho con thói quen ăn uống lành mạnh, tự lập và tập trung trong lúc ăn từ sớm
*Nhược điểm:
- Tốn thời gian nấu nướng
- Nhiều bé chỉ thích ăn duy nhất một món, dễ dẫn đến tình trạng thiếu chất
Phương pháp ăn dặm BLW
Phương pháp ăn dặm BLW (Baby Led Weaning – bé chỉ huy) đã phổ biến từ lâu ở Mỹ, Châu Âu và mới được biết đến tại Việt Nam vài năm gần đây.
Phương pháp này dạy cho bé ăn thô ngay từ đầu. Các món ăn được chế biến từ rau củ luộc chín, được cắt thành thanh dài bằng một ngón tay cho trẻ dễ ăn.
*Ưu điểm:
- Bé được thử các món ăn khác nhau như người lớn, rèn tính độc lập, tự chủ trong ăn uống
- Tập thói quen ăn uống lành mạnh cho trẻ, không ngậm, nhai lâu
- Khi ăn bé phải sử dụng tay, hàm, lưỡi, cắn, nhai thức ăn rất có ích cho việc học nói
- Thức ăn đều là đồ luộc, nguyên liệu tự nhiên, an toàn, chứa nhiều vitamin
*Nhược điểm:
- Thời gian đầu mới làm quen với những món ăn mới, bé thường ăn được ít, dễ thiếu chất, thèm ăn không đúng bữa
- Dễ bị nghẹn
- Tốn thời gian cho bé ăn khi con chưa thích nghi được
Cách tự làm bột gạo cho bé ăn dặm
Nguyên liệu:
- Gạo tẻ (nên chọn gạo trắng có mùi thơm, hạt to tròn)
- Muối
- Máy xay sinh tố/ máy nghiền
- Rây lọc, bọc lọc loại vải
Cách làm bột gạo cho bé ăn dặm ngay tại nhà:
- Sàng sạch gạo, cho vào dung dịch muối pha loãng (muối tinh + nước) để loại cặn bẩn. Cho gạo và nước sạch vào nồi, cho nước ngập mặt gạo, để qua đêm.
- Sáng hôm sau rửa lại gạo với nước rồi xay nhuyễn bằng máy xay sinh tố hoặc máy nghiền là xong (nên xay 2 lần).
- Lọc gạo một lần nữa bằng bao bố/ rây lọc rồi đem phơi 2 nắng hoặc dùng máy sấy và để bột ở nơi khô ráo là hoàn thành bột gạo cho bé ăn dặm.
Cách bảo quản bột gạo cho bé ăn dặm: để trong tủ kín, nên đựng bằng hộp nhựa hoặc hộp thủy tinh.
Nếu mẹ không có thời gian tự làm cũng có thể dùng bột gạo có sẵn để nấu cho con !
5 cách nấu bột gạo cho bé ăn dặm thơm ngon cho mẹ tham khảo
Cách nấu bột gạo cho bé ăn dặm với bí đỏ
Bí đỏ chứa rất nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể như:
- 0,5g chất xơ (2% DV)
- 6,5g chất bột đường (2% DV)
- Protein (2% DV)
- Canxi (2% DV)
- Sắt (2% DV)
- Vitamin A (148% DV), Vitamin C (15% DV)
*DV: Daily Value (nhu cầu hàng ngày)
Vì vậy nấu bột gạo cho bé ăn dặm cùng với bí đỏ cung cấp những chất dinh dưỡng rất có ích cho sự phát triển của trẻ.
*Nguyên liệu:
- 30g bí đỏ
- 20g bột gạo
- 15g sữa bột
- dầu ăn, nước, đường
- máy xay sinh tố
*Cách nấu bột gạo cho bé ăn dặm cùng bí đỏ:
Bước 1: Bí đỏ gọt vỏ, đem rửa sạch.
Luộc hoặc hấp bí đỏ cho đến khi chín (khoảng 15 phút) rồi đem tán nhuyễn. Có thể dùng máy xay sinh tố xay nhuyễn để tiết kiệm thời gian.
Bước 2: Hòa tan bột gạo vào 20ml nước lạnh. Cho 3 thìa bí đỏ đã được xay nhuyễn với 2 thìa cà phê đường rồi khuấy đều.
Đun nhỏ lửa hỗn hợp này và khuấy đều tay để bột không bị cháy.
Bước 3: Khi bột chín, đổ bột ra bát rồi trộn đều với 1 thìa cà phê dầu ăn và 4 thìa canh sữa bột là đã hoàn thành.
Cách nấu bột gạo cho bé ăn dặm với ức gà và cà rốt
*Nguyên liệu:
- 10g thịt ức gà: 10gr
- 10g bột gạo: 10gr
- 1/4 củ cà rốt
- 200ml nước
*Cách nấu bột gạo cho bé ăn dặm với ức gà và cà rốt:
Bước 1: Rửa sạch ức gà, đem luộc. Khi thịt gà chín, vớt ra, để nguội rồi đem xay nhuyễn bằng máy xay sinh tố.
Cà rốt gọt vỏ và rửa sạch với nước muối loãng. Cắt nhỏ rồi cho vào máy xay xay nhuyễn.
Bước 2: Cho bột gạo và nước vào nồi, đun nhỏ lửa, khuấy đều tay để tránh bột bị vón cục.
Bước 3: Cho thịt gà và cà rốt đã được xay nhuyễn vào, khuấy đều và cho thêm nước tránh để bột bị đặc. (Không nên cho quá nhiều khiến bột bị loãng)
Bước 4: Khi món ăn đã chín, múc ra bát cho bé ăn khi đồ ăn còn nóng ấm.
*Lưu ý: Độ nhuyễn của thức ăn tùy thuộc vào giai đoạn ăn dặm của bé. Nếu bé mới làm quen ở giai đoạn đầu thì mẹ nên nấu chín cà rốt và xay nhuyễn, mịn rồi mới cho vào bột. Nếu bé đã ăn được thô thì mẹ chỉ cần băm nhuyễn cà rốt là được.
Cách nấu bột gạo cho bé ăn dặm với lòng đỏ trứng và rau cải ngọt
Có thể mới nhìn thấy nguyên liệu là “lòng đỏ trứng” thì các mẹ khá băn khoăn. Liệu món ăn này có thực sự cung cấp chất dinh dưỡng tốt cho bé?
Thành phần dinh dưỡng chứa trong lòng đỏ trứng:
- 13,8% protein (chất đạm), chứa các acid amin thiết yếu – có vai trò cực kỳ quan trọng cho sự phát triển thể trạng của bé
- 29,8% chất béo
- 1,6% chất khoáng
- Các loại Vitamin B1, B6
Thành phần dinh dưỡng có trong rau cải ngọt:
- 1,1g protein (chất đạm)/ 100g cải ngọt
- 0,5mg sắt/ 100g cải ngọt
- 2,1g cacbohidrat
- 0,2g lipit
- 37mg photpho
- 61mg canxi…
Ngoài ra còn có các chất như B1, B2, B3, albumin (giúp bảo vệ gan), iot, chất đường,…
Đây là món ăn bổ dưỡng mà “lạ” không tưởng với nhiều người. Mình sẽ hướng dẫn các mẹ nấu bột gạo cho bé ăn dặm cùng hai nguyên liệu bổ dưỡng này chỉ trong vài bước sau !
*Nguyên liệu:
- 10g bột gạo
- 1 quả trứng
- Rau cải ngọt
- Dầu ăn
*Cách nấu bột gạo cho bé ăn dặm với lòng đỏ trứng và rau cải ngọt:
Bước 1: Tách lòng đỏ trứng, đánh tan.
Rửa sạch rau cải ngọt, cắt nhỏ rồi băm nhuyễn.
Bước 2: Hòa tan bột gạo với nước, cho lòng đỏ trứng vào khuấy đều.
Bước 3: Đun sôi nước, cho rau, bột gạo, trứng và khuấy đều tới khi chín.
Bước 4: Múc ra bát, khuấy thêm 2 thìa cà phê dầu ăn.
Cách nấu bột gạo cho bé ăn dặm với ức gà và lá rau cải xanh
*Nguyên liệu:
- 10g rau cải xanh
- 15g bột gạo
- 200ml nước
- 10g ức gà
- Dầu ăn
- Máy xay sinh tố
*Cách nấu bột gạo cho bé ăn dặm với ức gà và lá rau cải xanh:
Bước 1: Rửa sạch thịt ức gà rồi xay nhuyễn bằng máy xay sinh tố
Bước 2: Đun sôi nước, cho rau cải xanh đã rửa sạch vào, khi chín thì vớt ra để nguội
Sau đó, nghiền nát rau cải xanh vừa vớt ra.
Bước 3: Cho bột và 200ml nước vào nồi đun và khuấy đều tay. Tiếp tục cho ức gà vào và tiếp tục khuấy.
Bước 4: Sau 10 phút, cho rau vào trộn đều là xong. Múc ra bát, trộn thêm 1 thìa cà phê dầu ăn và cho bé thưởng thức.
Cách nấu bột gạo cho bé ăn dặm với tôm và khoai mỡ tím
Trong tôm có chứa selen giúp ngăn ngừa ung thư, cung cấp omega 3 và canxi đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong sự phát triển xương khớp của trẻ.
Ngoài ra khoai mỡ tím có chứa hàm lượng vitamin B6 cao, góp phần bổ sung mangan có ích cho hệ tim mạch, sản sinh năng lượng cho cơ thể của trẻ nhỏ.
Đây là món ăn vừa lạ miệng lại siêu bổ dưỡng cho trẻ trong giai đoạn ăn dặm các mẹ cần tham khảo !
*Nguyên liệu:
- 1 củ khoai mỡ
- 20g bột gạo
- 10g tôm
*Cách nấu bột gạo cho bé ăn dặm với ức gà và lá rau cải xanh:
Bước 1: Luộc chín khoai mỡ rồi đem xay/tán nhuyễn
Rửa sạch tôm, băm nhuyễn, luộc đến khi chín.
Bước 2: Hòa tan bột với nước (không nên cho quá nhiều nước). Cho khoai và bột vào nồi rồi khuấy đều đến khi bột chín.
Bước 3: Múc ra bát, trộn đều cùng tôm và 2 thìa cà phê dầu ăn. Cho bé thưởng thức ngay khi còn ấm nóng.
Cách bảo quản đồ ăn đông lạnh cho trẻ ăn dặm
Vì tính chất công việc nên không phải mẹ nào cũng có thời gian nấu nướng, tự làm bột gạo,… cho con.
Nhưng bảo quản đồ ăn lâu ngày dễ dẫn đến một số tình trạng nguy hiểm cho trẻ do sự biến chất trong thực phẩm, ôi thiu,…
Vì vậy, mình sẽ hướng dẫn các mẹ một cách hữu dụng để bảo quản thức ăn an toàn cho bé ăn dặm và cực kỳ tiện lợi, tiết kiệm thời gian:
Trữ đông là cách bảo quản đồ ăn tốt nhất, linh hoạt nhất, đã được nhiều bậc phụ huynh áp dụng.
Mẹ có thể tranh thủ thời gian rảnh mua các nguyên liệu và chế biến trước rồi để đông đá. Khi đến bữa chỉ cần giã đông, hâm nóng là đã xong bữa ăn cho con !
Tuy nhiên lưu ý:
- Mẹ nên nấu vừa đủ ăn, tránh dư thừa, lãng phí và dẫn đến ăn quá nhiều bữa.
- Thức ăn chỉ nên trữ đông và sử dụng trong 1 tuần. Quá 1 tuần dễ tăng khả năng ôi thiu, thậm chí ngộ độc.
Thế nào là cho trẻ ăn dặm an toàn?
- Thời gian đầu bắt đầu cho con ăn dặm, mẹ nên cho bé ăn từ từ, dùng thìa 5ml cho con ăn từng chút một để bé dần làm quen với mùi vị thức ăn.
- Nếu bé ăn dặm sớm (trước 6 tháng), mẹ nên đặc biệt chú trọng quan sát biểu hiện của con, lựa chọn thực đơn hợp lý, chủ yếu cho con làm quen với cách ăn mới, không ép con ăn.
- Luôn đặt trẻ trong ghế ăn có cài quai
- Mẹ nên nhận biết các dấu hiệu ho, sặc, nghẹn,… và nắm được cách sơ cứu kịp thời cho con
- Chú ý khi sơ chế các món ăn có xương, dễ nuốt, nghẹn
Lời kết
Trong bài viết trên, mình đã đồng hành cùng các mẹ tìm hiểu các cách nấu bột gạo cho bé ăn dặm đơn giản, tiện lợi nhưng vẫn thơm ngon cho bé ngay tại nhà.
Ăn dặm là mốc thời gian quan trọng của bé và cũng rất vất vả cho mẹ.
Hy vọng bài viết này đã giúp ích cho các mẹ trong quá trình nấu bột gạo cho bé tại nhà.
Bài viết cho mẹ tham khảo: Giải Đáp Xay Bột Cho Bé Gồm Những Gì Để Đảm Bảo Dinh Dưỡng