5+ Giải Pháp Cho Mẹ Bị Căng Sữa Khi Cai Sữa Cho Con

Giải pháp cho mẹ bị căng sữa khi cai sữa cho con

Nếu như trong thời gian còn cho bé ti sữa, các bà mẹ luôn phải tìm đủ mọi cách kích sữa về nhiều cho bé thì ngược lại đến khi cai sữa, các bà mẹ lại đau đầu tìm mọi cách làm sao để mất sữa vừa nhanh chóng vừa an toàn mà lại vô cùng hiệu quả. Vì việc mẹ bị căng sữa khi cai sữa cho con khiến các mẹ có cảm giác như phải trải qua một thời kỳ “khủng hoảng”. Cảm giác đau nhói, khó chịu cứ bám lấy bầu ngực khiến tâm trạng của mẹ càng căng thẳng hơn, đặc biệt là với những mẹ đã cố gắng để làm mất sữa nhưng mãi vẫn không hết. Vậy thì đây chắc chắn là bài viết mà các mẹ cần tham khảo ngay để thoát khỏi thời kỳ “khủng hoảng”  này.

Giải pháp giúp giảm căng sữa khi cai sữa cho con

Thời điểm tốt để cai sữa cho bé

Do mỗi gia đình có điều kiện và hoàn cảnh khác nhau, có nhiều mẹ phải quay lại với công việc sớm nên đã chọn cách cai sữa cho bé rất sớm, thường là khi bé đã biết ăn dặm (khoảng 7 – 8 tháng tuổi).

Hay một số mẹ lại có suy nghĩ rằng sau 6 tháng, những chất dinh dưỡng trong sữa mẹ đã không còn nhiều nên việc cho bé bú sữa cũng không còn tác dụng. Điều này hoàn toàn sai, các mẹ nhé. Trong sữa mẹ vẫn luôn giữ nguyên giá trị dinh dưỡng vốn có nhưng sau 6 tháng bé phát triển hơn nên những chất dinh dưỡng đó không đủ cho con nên mới cần bổ sung thêm ăn dặm. 

Cai sữa cho bé

Các mẹ không nên cai sữa quá sớm cho con vì có thể khiến hệ miễn dịch của bé yếu đi dẫn đến bé hay gặp những vấn đề ảnh hưởng tới sức khoẻ. Theo khuyến cáo của các chuyên gia tại Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ mẹ nên để bé bú sữa mẹ trong 18 tháng đầu đời của bé, đồng thời kết hợp ăn dặm bổ sung đúng cách, hợp lý từ tháng thứ 6 để đảm bảo bé luôn được cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết. Và thời điểm tốt nhất để cai sữa cho bé là khoảng từ trên 18 tháng đến dưới 24 tháng tuổi. Quá trình cai sữa cũng là một quá trình dài, cần sự kiên nhẫn của mẹ và cách thay đổi để bé thích nghi với việc cai sữa. Các mẹ tuyệt đối không nên sử dụng phương pháp cai sữa đột ngột vì việc đó không chỉ có thể ảnh hưởng đến tâm lý của bé mà còn có thể gây căng sữa và ảnh hưởng xấu sức khỏe của mẹ.

 

Vì sao mẹ bị căng sữa khi cai sữa cho con?

Tình trạng căng sữa xảy ra sau khi cai sữa cho bé là tình trạng “đau đầu” chung của rất nhiều bà mẹ, vì lúc này cơ thể mẹ đã quá quen với việc tiết sữa cho con bú nên khi cai sữa cũng cần có thời gian để mẹ và bé cùng thích nghi. 

Trong các trường hợp bình thường, hiện tượng căng sữa khi cai sữa cho bé sẽ chỉ kéo dài trong vài ngày hoặc vài tuần rồi sẽ tự biến mất, về cơ bản mẹ sẽ không có vấn đề gì lớn. Tuy nhiên, việc căng sữa bình thường cũng đã khiến các bà mẹ vô cùng khó chịu, đau đớn và ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày. Tình trạng ứ đọng sữa trong một số trường hợp nặng hơn còn có thể gây tắc nghẽn hệ thống ống dẫn sữa, dẫn đến căng, sưng tức ngực, viêm ống dẫn sữa, nặng hơn nữa có thể dẫn tới tình trạng áp xe vú và sốt cao.

Giải pháp giúp giảm căng sữa khi cai sữa cho con

Căng sữa khi cai sữa cho bé khiến mẹ đau đớn, khó chịu

Lưu ý:
  • Khi nhu cầu sản xuất sữa giảm, mức độ căng sữa và lượng sữa sản xuất ra cũng sẽ giảm dần.
  • Thông thường tình trạng căng tức bầu sữa khi cai sữa cho bé là tình trạng bình thường và sẽ tự hết sau một khoảng thời gian nên các mẹ không cần đến bệnh viện, vì hiện tượng này sẽ không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, và các biến chứng cũng không nghiêm trọng lắm.

 Vậy nên các mẹ cần tránh áp dụng các phương pháp cai sữa đột ngột để giảm sự khó chịu, căng tức bầu ngực. Dưới đây là những cách giúp các mẹ xoa dịu nỗi đau căng sữa vô cùng an toàn và hiệu quả, các mẹ cùng tapchimebe tham khảo và kiên trì thực hiện nhé!

 

Các cách khắc phục tình trạng mẹ bị căng sữa  khi cai sữa cho con

Tình trạng căng sữa khi cai sữa cho bé khiến mẹ cảm thấy khó chịu, mệt mỏi, đôi khi còn ảnh hưởng đến tâm trạng và sinh hoạt hằng ngày của mẹ. Dưới đây là những cách đơn giản để làm giảm tình trạng căng tức bầu sữa, các mẹ hãy kiên trì thực hiện để mang lại hiệu quả tốt nhất nhé!

  •  Chườm lạnh

Mẹ lấy một chiếc khăn mỏng bỏ vài viên đá vào hoặc quấn khăn quanh chai nước đá hoặc chỉ cần dùng một chiếc khăn ẩm đã được bỏ vào tủ lạnh trước đó 15 phút và áp vào ngực. Mẹ nên lưu ý là chỉ chườm lạnh tối đa 20 phút.

Cách chữa tắc tia sữa

Biện pháp chườm lạnh có tác dụng làm tê lạnh nơi sưng tấy, giúp mạch máu co lại và giảm lưu lượng máu xuống nơi bị tổn thương, từ đó giúp bầu ngực của mẹ được “hạ hỏa” nhanh và dễ chịu hơn.

  • Đắp lá bắp cải lên bầu ngực

Đắp lá bắp cải ướp lạnh lên bầu ngực là một trong những phương pháp lưu truyền từ dân gian giúp làm hết căng tức ngực khi mẹ cai sữa cho bé. Do trong lá bắp cải có chứa lượng lớn Phytoestrogen nên có tác dụng giúp giảm sưng các mô, chống nhiễm trùng và chống viêm, vì thế lá bắp cải được nhiều bà mẹ tin dùng trong việc giúp giảm căng sữa.

giải pháp cho mẹ bị căng sữa khi cai sữa cho bé

Lá bắp cải bạn đem rửa sạch sau đó cho vào tủ lạnh khoảng 30 phút rồi lấy ra đắp lên bầu ngực đang bị căng (các mẹ nên vệ sinh sạch sẽ bầu ngực trước khi đắp nhé). Lá bắp cải sẽ giúp giảm sưng đau bầu ngực, giảm tắc tia sữa và hạn chế lượng sữa tiết ra. Các mẹ nên thay lá mới khi cảm thấy lá đang đắp hết độ lạnh nhé. Có thể dùng áo lót mỏng để giữ lá trên bầu ngực và có thể đắp lá cả khi mẹ đi ngủ.

Ưu điểm của việc đắp lá bắp cải lên bầu ngực là dễ thực hiện và cũng không tốn quá nhiều thời gian, đặc biệt là rất an toàn. Tuy nhiên, không phải ai cũng đều phù hợp với phương pháp này mà còn phụ thuộc vào cơ địa của mỗi người.

  • Massage bầu ngực

Massage bầu ngực cũng là một trong những cách làm hết căng sữa khi cai sữa cho con hiệu quả. Khi mẹ cảm nhận được trên bầu sữa của mình bị cộm cộm, nổi cục thì đó có thể là tia sữa đang bị tắc, dẫn đến việc ứ đọng sữa trong ngực gây sưng tức ngực. Vì thế việc massage cho bầu sữa mẹ là hoàn toàn cần thiết giúp làm tan những cục ứ đọng và mẹ sẽ cảm thấy dễ chịu hơn. Các mẹ cũng có thể dùng dầu bạc hà bôi trực tiếp lên bầu ngực để làm dịu cơn đau do căng sữa. 

giải pháp cho mẹ bị căng sữa khi cai sữa cho bé

Lưu ý là không nên cho bé bú ngay khi xoa dầu bạc hà lên ngực. Dùng với lượng vừa đủ vì phần ngực là nơi nhạy cảm, nên massage nhẹ nhàng và tăng thời gian massage cho vùng nổi cục.

  • Hút hoặc vắt sữa bớt ra ngoài

Vắt sữa bằng tay hay sử dụng máy hút sữa giống như hoạt động bú giả, cũng có khả năng kích thích sữa tiết ra nhưng tác dụng kém hơn rất so với hoạt động bú sữa của bé. Vì vậy, khi mẹ muốn cai sữa cho con thì cũng có thể dùng cách này để bé vừa được nhận những chất dinh dưỡng từ sữa mẹ gián tiếp thông qua bú bình hoặc đút thìa vừa cai sữa được cho con mà mẹ cũng hạn chế được tình trạng căng sữa. 

giải pháp cho mẹ bị căng sữa khi cai sữa cho bé

Sau khi cai sữa cho con, nếu sữa vẫn còn đọng lại trong bầu ngực, mẹ có thể vắt bỏ sữa. Sử dụng máy hút sữa hay tự vắt sữa bằng tay đều được, tuy nhiên, hãy chú ý nguyên tắc: chỉ vắt bỏ sữa khi ngực căng tức và vắt ở mức  độ vừa phải. Nếu vắt hết sữa sẽ giúp kích thích tuyến sữa càng tiết ra sữa nhiều hơn.

  • Cách giãn cữ bú của bé

Việc cho bé bú đều đặn giúp bầu sữa được kích sữa về nhiều, bởi vì hoạt động ngậm và mút đầu ti mẹ của bé sẽ làm kích thích hormone prolactin trong cơ thể mẹ và tăng lượng sữa tiết ra. Do đó, để giảm lượng sữa tiết ra thì mẹ hạn chế cho bé ti sữa. Nhưng mẹ nên lưu ý tránh đột ngột giãn cữ quá nhiều vì như thế sẽ ảnh hưởng đến tâm lý và tình cảm của bé. 

giải pháp cho mẹ bị căng sữa khi cai sữa cho bé

Vì đối với bé, ti mẹ lúc này là “người bạn” vô cùng quý giá luôn bên cạnh bé. Vì thế, mẹ cần giãn cữ từ từ, chẳng hạn một ngày mẹ đang cho bé bú 8 cữ thì mẹ bắt đầu giảm xuống còn 7 cữ trong tuần đầu tiên và cứ giảm dần trong các tuần tiếp theo. Với cách này, cơ thể mẹ sẽ dần nhận ra được là nhu cầu bú mẹ của bé đang ít đi từ đó sẽ giảm sản xuất sữa mà bé yêu của bạn cũng không bị sốc vì phải đột ngột dừng bú mẹ, bầu ngực của mẹ cũng không bị ứ đọng gây căng tức và tắc tia sữa.

Trên thực tế, việc vắt sữa hay giãn cữ bú của bé không phải là cách nhanh nhất để cai sữa cho bé, nhưng chúng khá hiệu quả, an toàn và thân thiện với bé và được nhiều mẹ tin tưởng và sử dụng.

  • Ăn những thực phẩm giúp tiêu sữa

Theo những kinh nghiệm thực tế của các bà các mẹ ngày xưa thì một số thực phẩm có thể làm tiêu sữa, giúp giảm căng tức bầu ngực. Dưới đây là những thực phẩm “vàng trong làng tiêu sữa” đối với các mẹ có dự định cai sữa cho con. Nhưng lại là danh sách đen tuyệt đối nên tránh xa đối với các mẹ đang cho con bú. Các mẹ nên tìm hiểu kĩ càng nhé!

ăn thực phẩm tiêu sữa - giải pháp cai sữa cho bé

  • Lá lốt: Đây chính là “sát thủ tiêu sữa” đứng đầu trong danh sách các thực phẩm làm mất sữa. 
  • Măng tươi: Măng có thể chế biến ra nhiều món ăn cực kỳ ngon miệng nhưng lại rất độc hại. Vì thế các mẹ nào đang trong thời gian cho con bú thì nên tránh xa nhé. Còn đối với các mẹ cần tiêu sữa thì măng tươi là một trong những thực phẩm được đề xuất, ăn măng sẽ giúp mẹ tiêu sữa nhanh chóng. 
  • Lá dâu tằm: Uống nước lá dâu tằm hằng ngày là một trong những cách giúp mẹ tiêu sữa nhanh.
  • Cà phê: Những thức uống có chứa caffeine như trà, cà phê luôn bị cấm trong thai kỳ vì việc nạp một lượng lớn caffeine có thể khiến cơ thể mẹ bị mất nước dẫn đến giảm lượng sữa sản xuất. Nhưng nếu mẹ muốn tiêu sữa thì dùng cafe cũng là một giải pháp đơn giản dành cho mẹ. 
  • Cây xô thơm: là thảo dược có chứa estrogen tự nhiên, vì thế khi sử dụng, estrogen trong cây xô thơm sẽ làm giảm hormone prolactin giúp việc sản xuất sữa của mẹ sẽ ít dần theo thời gian. Cây xô thơm có thể dùng pha trà uống hằng ngày, liên tục và đều đặn sẽ giúp tiêu sữa và ngực mẹ không còn bị căng tức. 
  • Hoa nhài: Cũng giống như cây xô thơm, hoa nhài cũng giúp làm giảm hormone prolactin làm giảm sự sản xuất sữa mẹ. Vì vậy, các mẹ có thể sử dụng để pha trà cùng với các loại thảo mộc khác, chẳng hạn như pha chung với cây xô thơm.

 

  • Thư giãn tâm lý và ngủ đủ giấc

giải pháp cho mẹ bị căng sữa khi cai sữa cho bé

Các mẹ nên dành thời gian để trò chuyện, tâm sự cùng chồng, mẹ/chị/em trong gia đình hoặc những cô bạn thân để giải tỏa nỗi niềm, giúp cải thiện tâm trạng và quên đi khó chịu khi bị căng sữa. Các mẹ cho dù có khó chịu đến mức khó ngủ thì cũng phải cố gắng ngủ đủ giấc, thả lỏng , thư giãn và nghỉ ngơi vào mỗi buổi tối cũng là một trong những cách đơn giản, hiệu quả trong việc làm hết căng tức ngực khi cai sữa cho con.

  • Luôn vệ sinh núm vú sạch sẽ

Ngoài những cách đã nói ở trên, các mẹ cũng nên nhớ phải thường xuyên vệ sinh núm vú sạch sẽ, vì sữa có thể tiết ra và đọng lại ngay đầu vú, dẫn đến bị tắc sữa, làm ứ đọng bên trong gây căng tức bầu ngực. Các mẹ nên sử dụng áo lót mềm mại và dễ chịu, lót một chiếc khăn mỏng bên trong áo ngực để thấm sữa khi sữa lỡ bị tiết ra.

 

Tuyệt đối KHÔNG NÊN LÀM những điều này khi mẹ bị căng sữa

Khi bị căng sữa, các bà mẹ đều muốn nhanh nhanh hết cảm giác khó chịu, đau đớn đó vì thế đã có một số mẹ đã dùng những phương pháp “truyền tai” mà không nghĩ đến những tiềm ẩn nguy hiểm sau những phương pháp đó. Dưới đây là một số phương pháp mà các mẹ nên tránh xa khi bị căng sữa.

  • Ép chặt bầu ngực

những điều tuyệt đối không nên làm khi bị căng sữa

Nhiều người nghĩ rằng việc mặc áo bó sát, mặc áo ngực chật hoặc có đệm dày sẽ giúp bầu sữa được siết lại và không sản sinh ra sữa nữa. Nhưng việc làm này không những không giúp giảm lượng sữa tiết ra, giảm căng tức bầu ngực mà việc ép chặt ngực sẽ khiến mẹ càng khó chịu hơn nữa, nặng hơn là dẫn đến tắc tia sữa, viêm tuyến vú, sai lệch hình thái ngực,…

  • Uống thuốc tiêu sữa hoặc thuốc giảm đau 

Hiện nay, trên thị trường có khá nhiều loại thuốc uống giúp tiêu sữa như cabergoline (dostinex), bromocriptine (parlodel), quinagolide (norprolac), các loại thuốc này đều có tác dụng chung là giúp ức chế quá trình bài tiết của prolactin của tuyến yên, từ đó làm giảm lượng sữa tiết ra.

những điều tuyệt đối không nên làm khi bị căng sữa

Ưu điểm của phương pháp này là giúp làm tiêu sữa nhanh chóng và tình trạng căng sữa cũng biến mất rất nhanh, chỉ sau một vài ngày là cơn đau tức ngực đã “vĩnh viễn ra đi”. Tuy nhiên, với phương pháp này các mẹ cũng gặp rủi ro rất lớn vì thuốc sẽ mang tới tác dụng phụ. Theo nhiều thống kê cho thấy, nhiều trường hợp sau khi sử dụng thuốc đã gặp phải các triệu chứng như:

  • Thần kinh suy giảm, thường xuyên trở nên mệt mỏi, cáu gắt
  • Tụt huyết áp, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, miệng đắng, khô miệng
  • Dạ dày khó chịu, chán ăn, đau tức ngực
  • Táo bón, tiêu chảy
  • Đau bụng dưới,…

Vì vậy, các mẹ lưu ý không nên chọn cách này để làm tiêu sữa và làm giảm căng tức ngực. Nếu cơn đau kéo dài và các mẹ không chịu nổi thì hãy đến cơ sở y tế hoặc bệnh viện để thăm khám và hỏi ý kiến của bác sĩ. Việc sử dụng thuốc nên được tư vấn và kê đơn rõ ràng.

Tuyệt chiêu cai sữa hiệu quả cho bé

Cai sữa cho bé không phải là chuyện một sớm một chiều. Bé yêu sẽ không dễ dàng từ bỏ núm ti yêu thích của mình. Nhưng vì đã đến thời điểm dù có muốn hay không muốn thì bé yêu cũng phải nói lời tạm biệt với “bạn” ti yêu dấu của mình. Vậy nên, dưới đây là những cách đơn giản mà hiệu quả để cai sữa cho bé, các mẹ cùng tham khảo nhé! 

tuyệt chiêu cai sữa cho bé

Sử dụng thuốc mắc cỡ để cai sữa cho bé

Thuốc có màu đen, vị đắng và được bán khá phổ biến tại các nhà thuốc. Mẹ chỉ cần nghiền thuốc với một chút nước thành hỗn hợp sền sệt rồi xoa quanh bầu ngực. Khi bé thấy ti mẹ “xấu xí” thì bé sẽ không dám bú nữa. Nhưng lúc bé đòi ti là lúc bé đói, mẹ cần cho bé ăn thức ăn bên ngoài để bé không quấy khóc.

Hóa trang bầu ngực của mẹ

Mẹ có thể sử dụng son hoặc màu của nghệ, củ dền để hóa trang cho bầu ngực của mình. Khi bé nhìn thấy bầu ngực của mẹ khác lạ, xấu xí thì bé sẽ không đòi ti sữa nữa. Ngoài ra mẹ cũng có thể lấy băng dính màu đen dán vào đầu ti để ti trông xấu xí và bé sẽ bỏ ý định ti mẹ. Khi đó, mẹ nên chuẩn bị sẵn bình sữa hoặc đồ ăn dặm cho bé vì khi đó, bụng bé đang cảm thấy đói meo.

tuyệt chiêu cai sữa cho bé

Bôi đầu ti của mẹ bằng thuốc đắng Cloxit

Loại thuốc này rất an toàn đối với bé và được bán khá phổ biến ở các tiệm thuốc. Cũng giống như thuốc mắc cỡ, mẹ đem đi nghiền nát với một chút nước rồi bôi vào đầu ti mẹ. Khi bé ngậm vào ti mẹ bé sẽ cảm thấy rất đắng và nhả ti ra ngay, việc này rất sốc đối với bé yêu nên nhiều bé còn khóc rất to. Nhưng đừng lo, thuốc này hoàn toàn vô hại với bé. Mẹ kiên trì thực hiện khoảng 2-3 lần vào thời điểm đến cữ bú của bé, thì bé sẽ không dám ti mẹ nữa.

Xa bé vài ngày

Mẹ có thể đi làm từ sớm khi bé chưa ngủ dậy và về thật trễ khi bé đã ngủ để bé không nhìn thấy mẹ. Khoảng thời gian đầu, bé sẽ nhớ mẹ và quấy khóc đòi mẹ, nhưng mẹ cứ kiên trì như thế khoảng 3-4 ngày sau là bé sẽ quen với việc thiếu hơi mẹ và bé sẽ không quấy khóc nữa. Thời điểm này hãy để bố ra tay, bố sẽ cho bé ăn dặm và tập ti bình.

tuyệt chiêu cai sữa cho bé

 

Kết luận

Việc cai sữa cho bé là cả một quá trình “khóc lóc” của bé và “đau đầu” của mẹ. Và khi cai sữa cho bé thì tình trạng căng sữa lại đến với mẹ, tapchimebe mong rằng, bài viết này sẽ giúp ích cho mẹ trong việc chọn phương pháp làm giảm sự căng tức khó chịu của bầu ngực và trong việc cai sữa cho bé yêu. Hãy chia sẻ những nỗi niềm với bố và cần đến gặp bác sĩ ngay khi tình trạng căng tức ngực diễn ra phức tạp và khó chịu hơn, mẹ nhé!

Tham khảo thêm bài viết tại đây:

Mách Mẹ 5 Cách Cai Sữa Cho Bé Hiệu Quả Nhất

Review Top những sữa cho bé sơ sinh tốt nhất 2021

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *