Bé Mấy Tháng Biết Ngồi?

Đối với các bậc làm cha, làm mẹ, thì những cột mốc phát triển của con mình luôn được đặt lên hàng đầu. Họ lo lắng, quan tâm bé khi nào có thể lật, khi nào có thể bò, hay bé mấy tháng biết ngồi… 

Nhiều trường hợp phụ huynh thấy con mình mãi không chịu ngồi liền nghĩ bé bị bệnh. Tuy nhiên trên thực tế, đó là chuyện hoàn toàn bình thường. 

Trong bài viết này, mình sẽ cùng quý độc giả đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi “bé mấy tháng biết ngồi?” để hiểu rõ hơn về sự phát triển của bé nhé! 

Bé mấy tháng biết ngồi?

Có thể nói, ngồi là một trong những cột mốc quan trọng đánh dấu sự phát triển về kỹ năng vận động của bé. Do đó, việc bé mấy tháng tuổi biết ngồi đặc biệt được các bậc phụ huynh quan tâm. 

Được biết, các bé khi ở tầm tháng thứ 3, tháng thứ 4 bắt đầu biết lật, sau đó chuyển sang chống tay cho tới khoảng 6-8 tháng tuổi có thể bắt đầu tự ngồi dậy.

Bé sẽ học cách tự ngồi nhờ việc chống tay
Bé sẽ học cách tự ngồi nhờ việc chống tay

Thông thường, những bé biết ngồi sớm rơi vào tháng thứ 4-6, nhưng khi đó xương của bé chưa hoàn toàn cứng cáp. Do đó trước khi cho bé tập ngồi, phụ huynh nên để ý và kiểm tra cấu trúc xương của bé để đảm bảo không xảy ra các trường hợp xấu.

Các bé sẽ hoàn toàn thành thạo kỹ năng ngồi từ tháng thứ 7-8, nên quý phụ huynh nếu thấy con mình biết ngồi muộn hơn các bạn đồng trang lứa thì cũng đừng quá lo lắng nhé!

Thêm một điều nữa mà các phụ huynh nên biết, ở giai đoạn bắt đầu biết ngồi cho đến lúc ngồi thành thạo, bé có thể sẽ ngã bất kỳ lúc nào. Mới đầu, thời gian bé có thể duy trì tư thế ngồi sẽ tầm 20s – 30s. Vì vậy, mọi người nên chú ý để hỗ trợ bé khi cần thiết.

Ngoài ra, dưới đây chính là những cột mốc quan trọng trong quá trình phát triển kỹ năng vận động của bé mà chúng tôi nghĩ quý phụ huynh nên ghi nhớ: 

  • 1-3 tháng tuổi: bé nằm sấp
  • 3-4 tháng tuổi: bé có thể tự lật
  • 4-6 tháng tuổi: bé có thể tự ngồi sớm nhưng cần sự hỗ trợ
  • 6-8 tháng tuổi: bé tự ngồi không cần hỗ trợ
  • 7-10 tháng tuổi: bé tập bò
  • Từ tháng thứ 10 trở đi là quá trình bé chập chững những bước đầu tiên và học đi.

Bé học ngồi như thế nào?

Một đứa trẻ muốn ngồi vững thì trước tiên cần đảm bảo phần cơ cổ và đầu phải cứng cáp và vững vàng. Vì vậy, khi bé có thể kiểm soát được 2 bộ phận trên thì mới bắt đầu tự học cách ngồi.

Bước vào giai đoạn học ngồi, bé sẽ tự chống tay nâng phần trên của cơ thể lên và giữ cho ngực không chạm xuống nền. Thời gian đầu, bé có thể chưa ngồi dậy được hoàn toàn nhưng qua tháng thứ 5, nhóc tì nhà bạn sẽ ngồi được trong một khoảng thời gian ngắn nhất định.

Tuy nhiên, vì chưa thật sự cân bằng được cơ thể, bé vẫn sẽ bị ngã vật qua 2 bên hoặc ngửa ra phía sau. Do đó, các bậc phụ huynh nên ngồi gần bé để kịp xử lý tình huống hoặc chắn gối xung quanh để đảm bảo an toàn cho bé. 

Sau một thời gian, bé dần có sự tiến bộ trong việc học cách cân bằng để ngồi. Thông thường, các phụ huynh sẽ thấy con mình chúi người ra phía trước và cố định tư thế bằng cách chống 1 hoặc 2 tay.

Bé cố định dáng ngồi bằng tư thế “kiềng 3 chân”
Bé cố định dáng ngồi bằng tư thế “kiềng 3 chân”

Đến tầm 7 tháng tuổi, các bạn có thể thấy bé tự ngồi mà không cần đến sự giúp đỡ nào. Đồng thời, bé cũng học cách xoay người để tương tác với mọi thứ xung quanh. 

Và cuối cùng khi tròn 8 tháng tuổi, bé đã ngồi vững vàng mà không cần sự hỗ trợ. Thời điểm này quý phụ huynh sẽ thường bắt gặp bé chuyển từ tư thế nằm sấp qua tư thế ngồi nhờ chống tay đẩy mình lên.

Khi đã quen dần với việc ngồi, bé sẽ không còn muốn nằm quá nhiều nữa. Thay vào đó, bé có thể kết hợp ngồi và học cách bò cho đến khi học đi. Do đó, ngoài việc quan tâm bé mấy tháng biết ngồi, quý phụ huynh cũng nên chú ý việc con mình học bò nữa nhé!

Hướng dẫn bé tập ngồi

Sự phát triển của con người luôn dựa trên những quy luật tự nhiên dù ở độ tuổi nào. Tuy nhiên đối với các bé sơ sinh, việc học ngồi đòi hỏi sự thay đổi trọng lượng và biết kiểm soát phương hướng, nên để bé có thể ngồi vững vàng, bước đầu vẫn cần đến sự hỗ trợ của quý phụ huynh.

Nhiều bạn lần đầu làm mẹ còn nhiều băn khoăn, nhưng đừng lo lắng nhé, mọi người có thể giúp con mình tập ngồi bằng những việc sau:

  • Hướng dẫn bé nằm sấp

Việc bé có thể ngồi vững hay không dựa vào sự cứng cáp của phần đầu. Vì vậy, để giúp bé rèn luyện sự ổn định của bộ phận này, quý phụ huynh hãy bắt đầu từ việc hướng dẫn bé nằm sấp.

Hình dung một cách dễ hiểu, khi bạn cho bé nằm sấp, sau đó đặt một món đồ chơi ngay trước mặt, bé sẽ theo đó mà ngẩng đầu để nhìn vào đồ vật. Điều này giúp tăng sự dẻo dai và cứng cáp cho cơ lưng vào cổ, từ đó phần đầu cũng dần ổn định hơn. 

  • Cho bé dựa vào người 

Vào khoảng thời gian tầm 4-6 tháng tuổi, nhiều bé bắt đầu có dấu hiệu học ngồi. Lúc này, quý phụ huynh có thể cho bé giả ngồi bằng việc đặt bé dựa vào người mình. 

Từ đó giúp bé làm quen với cảm giác khi ngồi, đồng thời rèn luyện cơ lưng của bé thêm phần cứng cáp để về sau thuận lợi cho việc tự tập ngồi của bé. 

  • Kích thích sự phát triển các cơ

Mọi sự vận động trong cơ thể người đều gắn liền với các cơ. Vì vậy, để việc học ngồi của bé thêm phần dễ dàng hơn, quý phụ huynh có thể giúp bé kích thích sự phát triển cơ. 

Nghe thì có vẻ phức tạp, nhưng thật ra chỉ cần một vài động tác massage hoặc một số trò chơi đơn giản là bạn đã giúp con mình tăng cường sức mạnh các cơ. Bên cạnh đó, mọi người cũng có thể cho các bé luyện cơ kết hợp với rèn các hoạt động khác như nằm sấp, lật, bò…  

Luyện cơ cho bé bằng những hoạt động đơn giản
Luyện cơ cho bé bằng những hoạt động đơn giản

Tác hại khi tập ngồi sai cách cho bé

Có rất nhiều bậc phụ huynh vì nóng lòng mà đã cho con tập ngồi rất sớm. Lúc này, não và các cơ quan vận động vốn còn non nớt, chưa phát triển toàn diện nên dễ gây ra những tác động tiêu cực cho sức khỏe của bé.

Cụ thể, vì sức bền của cột sống quá yếu lại phải “gánh vác” một trọng lượng khá lớn của phần thân trên, từ đó dần hình thành cho bé bệnh đau lưng về sau. Nên để đảm bảo nhóc tì nhà bạn luôn khỏe mạnh, hãy lựa thời điểm thích hợp để tập ngồi cho bé nhé! 

Thêm một điều quý phụ huynh cần nắm rõ, khi bạn quan sát thấy sức chống đỡ hai tay của con mình không đủ nâng cơ thể mà ngã nhoài ra phía trước, tức là bé cần có thêm thời gian mới tập ngồi được. 

Đừng vì nóng lòng mà bắt ép bé cố gắng quá nhiều, hãy cứ để mọi việc thuận theo tự nhiên, mọi sự hỗ trợ của phụ huynh nên dừng ở một mức độ nhất định. Bởi lẽ nếu bắt ép bé thì về sau sẽ có nhiều tác động xấu đến sức khỏe của bé.

Cuối cùng, để cột sống của bé không bị ảnh hưởng và bị gù trong tương lai, quý phụ huynh nên tập cho bé ngồi thẳng lưng, tránh những tư thế không đúng cũng như đừng cho bé nằm gối quá cao. 

Những điều phụ huynh cần lưu ý khi cho bé tập ngồi

Việc tập ngồi tưởng chừng rất đơn giản nhưng nếu sai sót có thể gây ra những ảnh hưởng về sức khỏe của bé sau này. Do đó, nhằm đảm bảo bé luôn khỏe mạnh và “đơn giản hóa” việc tập ngồi của bé, các bậc phụ huynh cần lưu ý những điều sau: 

  • Hạn chế sử dụng ghế tập ngồi

Nhiều phụ huynh cho rằng ghế tập ngồi rất tiện lợi trong việc tập ngồi của bé. Tuy nhiên trên thực tế, ghế tập ngồi không thật sự hữu ích như mọi người nghĩ, mà ngược lại còn có thể gây hại cho bé.

Rất nhiều trường hợp các bé tập ngồi bằng chiếc ghế này và bị ngồi sai tư thế, khiến cột sống bị ảnh hưởng và mất thời gian rất lâu mới có thể giữ thăng bằng khi không có điểm tựa. Hoặc tệ hơn là có nhiều bé đã bị ngã khi sử dụng ghế tập ngồi. 

Thay vì lạm dụng những công cụ hỗ trợ gây hại cho bé, các bạn nên dành thời gian tập cho bé giữ thăng bằng bằng cách để bé dựa lưng vào tấm nệm mềm, bắt chéo chân cho bé ngồi giữa vào dựa lưng vào người quý phụ huynh… 

Những cách này vừa giúp bé rèn sự dẻo dai cho cơ lưng, vừa giúp bé học giữ thăng bằng, đồng thời cũng đảm bảo không gây ảnh hưởng tiêu cực cho bé. 3 trong 1, nên quý phụ huynh hãy chịu khó một chút vì con mình nhé!

  • Tránh cho bé ngồi ghế xe hơi

Hầu hết các bậc làm cha, làm mẹ rất thận trọng khi di chuyển bằng xe hơi có mang theo con nhỏ. Tuy nhiên, vẫn còn số ít phụ huynh thiếu trách nhiệm mà xem nhẹ việc cho bé ngồi trên ghế xe hơi khi còn quá nhỏ. 

Điều này rất không tốt cho bé, vì khi di chuyển, trong trường hợp có va chạm, bé sẽ bị ngã và hậu quả để lại có thể rất nghiêm trọng. Hoặc nhẹ hơn thì khi di chuyển, tư thế ngồi của bé cũng có thể bị lệch, gây tác động xấu đến cột sống của bé.

Nếu gia đình bạn thường xuyên di chuyển bằng xe hơi, hãy cân nhắc việc sắm cho bé một chiếc ghế ngồi trong xe, điều đó ít nhiều đảm bảo hơn là bạn để bé ngồi không trên xe với chiếc dây an toàn lỏng lẻo.  

Phụ huynh nên cân nhắc sắm cho bé ghế ngồi nếu thường xuyên di chuyển bằng xe hơi
Phụ huynh nên cân nhắc sắm cho bé ghế ngồi nếu thường xuyên di chuyển bằng xe hơi

Nhưng tốt nhất quý phụ huynh vẫn nên chăm sóc bé cẩn thận hơn. Vì ở độ tuổi này, sự phát triển của bé có ảnh hưởng rất lớn đến tương lai sau này. 

Kết luận

Trên đây là tất cả những thông tin xoay quanh chủ đề bé mấy tháng biết ngồi mà chúng tôi đã tổng hợp được. Hy vọng bài viết sẽ là lời giải đáp phù hợp nhất, giúp quý phụ huynh hiểu biết thêm nhiều điều về quá trình phát triển của trẻ nhỏ. Để từ đó, mọi người có thể “đơn giản hóa” trong việc chăm sóc con cái cũng như “cùng bé lớn lên” một cách toàn diện và tích cực. 

Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, quý phụ huynh có thể liên hệ với chúng tôi hoặc trực tiếp để lại phản hồi. Chúng tôi sẽ cố gắng giải đáp cho mọi người bằng sự hiểu biết của mình một cách tốt nhất. Xin chân thành cảm ơn!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *