Xây Dựng Thực Đơn Cho Bé Bắt Đầu Ăn Dặm Và 7 Điều Mẹ Cần Biết

Xây Dựng Thực Đơn Cho Bé Bắt Đầu Ăn Dặm Và 7 Điều Mẹ Cần Biết

Khi bé con nhà bạn được 6 tháng tuổi cũng là lúc bé bắt đầu cảm thấy có hứng thú với các loại thức ăn và theo các chuyên gia dinh dưỡng thì thời điểm này cũng chính là thời điểm mà hệ tiêu hóa của bé trở nên cứng cáp hơn, phản xạ nhận, nhai nuốt thức ăn cũng sẽ bắt đầu hình thành và dần hoàn thiện hơn, bé đã có thể hấp thụ những chất dinh dưỡng từ nguồn thức ăn khác ngoài sữa. 

Thực Đơn Cho Bé Bắt Đầu Ăn Dặm Mẹ Cần Tham Khảo Ngay

tapchimebe nghĩ thời gian này các mẹ cũng sẽ rất đau đầu vì suy nghĩ về phương pháp ăn dặm nào cho phù hợp với con? Thực đơn như thế nào để vừa khoa học vừa ngon vừa dinh dưỡng cho các bé yêu nhà mình, phải không nào? Để giúp các mẹ đỡ phải băn khoăn về vấn đề này, tapchimebe xin chia sẻ về các phương pháp ăn dặm cho bé và những thực đơn cho bé bắt đầu ăn dặm. Các mẹ cùng tham khảo cho bé yêu nhà mình nhé!

Thời điểm nào nên bắt đầu cho bé ăn dặm?

Thời điểm nào cho bé ăn dặm?

Theo khuyến cáo của các chuyên gia dinh dưỡng tại Viện dinh dưỡng Quốc gia, các mẹ nên bắt đầu cho trẻ ăn dặm khi trẻ được 6 tháng tuổi (tức là 180 ngày sau khi sinh). Thời điểm này là thời điểm các bé nên được bổ sung các chất dinh dưỡng từ thức ăn đặc vì:

  • Hệ tiêu hóa của bé đã phát triển hoàn thiện nên có thể hấp thụ những thức ăn đặc và phức tạp hơn sữa mẹ.
  • Tốc độ phát triển của bé đã tăng lên và sữa mẹ không thể đáp ứng đủ nhu cầu chất dinh dưỡng cần thiết cho bé.

Khi bé được ăn bổ sung lúc bé bước sang tháng thứ 6 sẽ giúp bé phát triển, hoạt động tốt và khỏe mạnh hơn. Có một số ý kiến cho rằng sau 6 tháng, dinh dưỡng từ sữa mẹ đã giảm đi vì thế mới cần bổ sung ăn dặm cho bé. Đây là một ý kiến không đúng, vì sữa mẹ luôn giữ được chất dinh dưỡng như ban đầu nhưng do bé ngày càng lớn nên sữa mẹ sẽ không đủ để đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng của con.

Và trong giai đoạn này, mẹ vẫn cần phải tiếp tục cho bé bú mẹ, vì sữa mẹ cung cấp hơn một nửa nhu cầu dinh dưỡng của bé. Từ 12 tháng đến 14 tháng tuổi, sữa mẹ cung cấp 1/3 nhu cầu dinh dưỡng của bé. Ngoài ra, sữa mẹ còn cung cấp các yếu tố miễn dịch giúp bé phòng chống được nhiều loại bệnh tật, mối quan hệ mẹ con cũng được gắn kết hơn và sữa mẹ còn giúp phát triển tâm lý của bé.

 

Không nên cho trẻ ăn dặm quá sớm vì:

Nhiều bà mẹ có tâm lý lo lắng rằng sữa mẹ không có đủ chất dinh dưỡng để cung cấp cho con, dẫn đến con bị nhẹ cân, hoặc nghĩ là ăn dặm sớm sẽ giúp con mình cứng cáp hơn nên nhiều bà mẹ đã vội vàng cho bé ăn dặm từ rất sớm. Những suy nghĩ như thế này là rất sai và có thể dẫn đến những hậu quả không đáng có, như là:

  •  Tiêu hóa của bé bị rối loạn, có nguy cơ cao bị tiêu chảy do thời điểm ăn dặm quá sớm, hệ tiêu hoá của bé chưa được hoàn thiện, chưa có đủ men amylase để tiêu hóa các chất từ các loại thức ăn đặc, vì thế thời điểm trước 6 tháng tuổi bé chỉ chấp nhận được dạng thức ăn lỏng như sữa mẹ mà thôi.
  • Nguy cơ cao gây béo phì: khi bé ngừng bú mẹ và ăn dặm trước tháng thứ 4 thì bé có nguy cơ béo phì ở tuổi lên 3 cao hơn so với những bé ăn dặm đúng thời điểm. Khi thay đổi chế độ ăn mới, hệ tiêu hoá của bé còn kém nên có thể chưa quen dẫn đến việc không muốn ăn, nôn trớ, rối loạn tiêu hóa… Nhưng khi bé đã thích nghi và chấp nhận chế độ ăn dặm sớm hơn bình thường thì các mẹ lại nghĩ rằng điều đó là tốt và càng bồi bổ thêm nhiều loại thức ăn cho bé. Chế độ dinh dưỡng không phù hợp và ăn uống quá độ chắc chắn sẽ dẫn đến tăng cân quá mức và gây béo phì.

Ngoài ra, một nghiên cứu gần đây được công bố trên Tạp chí Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ cho thấy rằng việc đưa ngũ cốc vào chế độ ăn của trẻ trước 4 tháng tuổi sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường ở trẻ em.

  • Tăng nguy cơ mắc một số bệnh vì khi cho bé ăn dặm quá sớm sẽ khiến bé dễ chán sữa mẹ nên bé sẽ bú ít đi, dẫn đến tình trạng bé không được nhận nguồn dinh dưỡng vô cùng quý giá và thiết yếu từ sữa mẹ. Điều này sẽ dẫn đến hệ miễn dịch của bé bị suy giảm, làm tăng nguy cơ suy dinh dưỡng và có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình phát triển của bé. 
  • Bé có thể bị nghẹn do thời điểm trước 6 tháng, cơ thể của bé chưa được cứng cáp, cơ nhai của bé chưa hoàn toàn phát triển, cơ hàm, lưỡi, hầu, họng chưa có sự phối hợp nhuần nhuyễn nên bé sẽ đẩy lưỡi của mình chống lại muỗng hay bất cứ thứ gì khác đưa vào miệng dẫn đến việc xử lý và nuốt thức ăn không được dễ dàng. Thức ăn có thể bị tràn vào đường thở của bé, gây nghẹt thở, có thể dẫn đến tử vong trong trường hợp xấu nhất. 

Tuy nhiên, phản xạ này sẽ biến mất khi bé được 4 – 5 tháng tuổi, vậy nên hãy đợi sau thời điểm này, mẹ có thể bắt đầu tập cho bé nhà mình ăn dặm nhé.

  • Bé có thể bị tăng nguy cơ dị ứng thực phẩm do thời điểm bé dưới 4 tháng tuổi hệ tiêu hoá của bé chưa hoàn thiện, còn non nớt. Vì vậy, việc cho bé ăn các thực phẩm mới lạ quá sớm sẽ làm cho bé bị dị ứng thức ăn, đặc biệt là ở những bé có cơ địa nhạy cảm (khoảng 7 – 10% trẻ đã bị dị ứng với một hoặc một số loại thực phẩm). Do đó, bố mẹ đừng vội cho bé con ăn dặm quá sớm nhé.
  • Mẹ có nguy cơ mất sữa sớm vì việc mẹ giảm tần suất bú mẹ của bé quá sớm dẫn tới giảm phản xạ tiết sữa ở mẹ gây mất sữa sớm, điều này có thể dẫn tới kỳ mang thai sau mẹ có rất ít sữa hoặc mất sữa hoàn toàn.

Không nên cho bé ăn dặm quá sớm hoặc quá muộn

Không nên cho trẻ ăn dặm quá muộn vì:

Ngược lại với nhiều bà mẹ suy nghĩ ăn dặm sớm sẽ tốt cho con thì một số bà mẹ lại quá ưu ái sữa mẹ cho bé, luôn nghĩ rằng sữa mẹ là nguồn thực phẩm tốt nhất và đầy đủ chất dinh dưỡng nhất cho con (suy nghĩ này chỉ đúng trong giai đoạn 6 tháng đầu đời của bé), hoặc một số bà mẹ gặp khó khăn khi bắt đầu cho bé ăn dặm nên luôn trì hoãn việc ăn dặm của bé. Tuy nhiên, việc cho bé bắt đầu ăn dặm quá muộn sẽ khiến bé không nhận đủ chất dinh dưỡng cho quá trình phát triển ngày càng tăng của bé, dẫn đến nguy cơ bé bị suy dinh dưỡng rất cao do thiếu máu, thiếu kẽm, thậm chí nhiều bé còn bị còi xương do thiếu vitamin D làm giảm sự  hấp thụ Canxi cho cơ thể.

Trừ những trường hợp đặc biệt khác chẳng hạn như các bé bị sinh thiếu tháng, bé vẫn chưa cứng cáp hoàn toàn nên các bé có thể ăn dặm muộn hơn so với các bạn. Còn các bé sinh đủ tháng, thời điểm bé từ 4 – 6 tháng tuổi là giai đoạn bé cần bổ sung dinh dưỡng từ việc ăn dặm vì nhu cầu năng lượng tăng và trong giai đoạn này, lượng sắt dự trữ không còn, nên nếu chỉ được cung cấp từ sữa mẹ, bé sẽ bị thiếu sắt, do vậy ăn dặm sẽ là nguồn bổ sung đủ lượng sắt cần thiết cho bé. Nếu cơ thể bé không có đủ lượng sắt cần thiết, bé sẽ bị thiếu máu. Khoảng trong độ tuổi từ 6 – 12 tháng tuổi các bé thường bị thiếu sắt nhiều nhất trong giai đoạn này dẫn đến nguy cơ thiếu máu rất cao.

 

Thành phần dinh dưỡng cần thiết khi mẹ xây dựng thực đơn cho bé bắt đầu ăn dặm

Khi bé bước sang tháng thứ 6 thì đây chính là giai đoạn bé cần được bổ sung thêm chất dinh dưỡng từ nguồn thực phẩm khác qua việc ăn dặm. Mặc dù lúc này sữa mẹ vẫn là nguồn thực phẩm quý giá chiếm hơn ¾ tổng lượng thức ăn mỗi ngày của bé.

Nhóm chất dinh dưỡng cần thiết trong thực đơn ăn dặm của bé

Các mẹ cần chú ý, thức ăn cho bé 6 tháng tuổi cần cung cấp đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng cần thiết để trí não và thể chất của bé được phát triển toàn diện. 4 nhóm chất dinh dưỡng cần thiết cho bé đó là:

    • Nhóm chất đạm: chất đạm từ thịt gà, thịt heo, lòng đỏ trứng gà (khuyến nghị nên dùng cho bé khi bé mới bắt đầu tập ăn dặm); thịt bò, tôm, cua, cá (thích hợp cho các bé bước sang tháng thứ 7) và đạm thực vật từ các loại đậu đỗ,…
    • Nhóm chất béo: mẹ nên cho bé ăn ăn kết hợp cả mỡ động vật (mỡ lợn, mỡ gà,…) và dầu thực vật (dầu mè, dầu oliu, đậu nành,…). Nhưng riêng dầu gấc mẹ không nên cho bé ăn hàng ngày mà chỉ nên dùng 1-2 lần/tuần để tránh vàng da ở bé do thừa vitamin A. Kết hợp tốt nhất với tỷ lệ là 1:1 xen kẽ các bữa mỡ và dầu. 
    • Nhóm chất bột đường: Mẹ có thể cho bé làm quen với nhóm thực phẩm này bằng cách nghiền cháo, khoai hoặc nấu bột yến mạch cho thực đơn của bé thêm phong phú. Mẹ nên chọn gạo tẻ hoặc gạo táo để nấu cháo cho bé, không nên kết hợp nghiền cháo với ý dĩ, hạt sen, đậu xanh vì rất dễ gây cảm giác chán ăn, khó ăn và chậm tiêu cho bé.
    • Vitamin và các loại khoáng chất: Mẹ có thể tập cho bé ăn các loại hoa quả tươi như chuối tiêu nạo, xoài xay, đu đủ xay, uống nước cam,…
    • Ngoài ra, chất xơ cũng rất quan trọng cho hệ tiêu hoá của bé, giúp bé ngăn ngừa được các bệnh liên quan đến đường ruột. Mẹ có thể bổ sung chất xơ cho bé trong các bữa ăn dặm bằng cách thay đổi thành phần các loại rau củ có nhiều màu sắc như: màu xanh của rau; màu đỏ của củ dền, cà chua; màu cam của bí đỏ, cà rốt,…

 

Nhóm thực phẩm bố mẹ cần tránh khi xây dựng thực đơn cho bé bắt đầu ăn dặm

Ngay khi bé được 6 tháng tuổi, đây là thời điểm mà bé đang phát triển và bắt đầu tỏ ra thích thú với việc thử các loại thức ăn mới. Bé tò mò muốn làm quen với nhiều loại thực phẩm có hương vị và hình dạng khác nhau. Tuy nhiên, bố mẹ nên biết không phải thực phẩm nào cũng an toàn cho bé. Dưới đây là danh sách các loại thực phẩm mà bố mẹ nên tránh cho bé nhà mình ăn khi bé bắt đầu ăn dặm:

    • Mật ong:  trong mật ong có chứa vi khuẩn Clostridium botulinum, có khả năng làm suy yếu khả năng bú của bé. Vi khuẩn có trong mật ong còn gây yếu cơ và gây táo bón ở trẻ sơ sinh. Nguy hiểm hơn khi dùng mật ong cho trẻ dưới 1 tuổi là gây ngộ độc dẫn đến tử vong.
    • Lòng trắng trứng hoặc trứng chưa được nấu chín: Lòng trắng trứng chứa nhiều vitamin, protein và khoáng chất không phù hợp cho cơ thể còn non yếu của bé. Bé có thể bị phát ban, thậm chí hệ tiêu hoá bị rối loạn và gây tiêu chảy khi bé ăn lòng trắng trứng. Còn khi bé ăn trứng chưa được nấu chín thì bé có nguy cơ bị nhiễm vi khuẩn Salmonella, rất nguy hiểm đối với trẻ sơ sinh. Bố mẹ chỉ nên cho bé ăn lòng trắng trứng khi bé hơn 1 tuổi và nhớ nấu chín nhé!
    • Sữa bò và sữa đậu nành: Bé yêu của bạn không thể tiêu hóa được các protein có trong sữa bò và sữa đậu nành trong những tháng tuổi đầu tiên, và những đồ uống này có chứa hàm lượng đường lactose cao và một lượng khoáng chất có thể gây hại đến thận của bé. Vì vậy,  bố mẹ nên tránh dùng sữa bò cho đến khi bé hơn 1 tuổi nhé.
    • Thực phẩm có đường, muối: Theo khuyến cáo từ các chuyên gia, các loại gia vị nên tránh trong các bữa ăn dặm của bé trong đó có đường và muối, nhất là đối với các bé dưới 12 tháng tuổi vì các loại gia vị này có thể ảnh hưởng xấu đến sự thèm ăn và phá vỡ chế độ ăn gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của bé. Mẹ nên đợi bé hơn 1 tuổi rồi hãy bắt đầu đưa đường vào bữa ăn của bé, nên bắt đầu từ đường tự nhiên rồi chuyển sang đường bột và kết hợp điều độ phù hợp với độ tuổi của bé để tránh gây béo phì cho bé, mẹ nhé!
    • Các loại nước trái cây đóng hộp: Trong những hộp nước trái cây đóng sẵn có chứa hàm lượng đường rất cao và có chứa chất bảo quản, rất không phù hợp cho các bé. Vậy nên, các mẹ hãy làm nước ép từ các loại trái cây tươi rửa sạch cho bé uống để đảm bảo an toàn cho “cái bụng yêu” của bé nhé.
    • Thực phẩm nguyên hạt: Mặc dù đây là những thực phẩm ngon, lành mạnh và đầy đủ protein nhưng cũng là thực phẩm có nguy cơ dị ứng cao và gây nghẹt thở ở trẻ dưới 5 tuổi. 
    • Thực phẩm ít chất béo: Nhiều mẹ nghĩ rằng cho bé ăn nhiều chất béo sẽ khiến bé béo phì và không đưa chất béo vào các bữa ăn của con. Điều này hoàn toàn sai lầm vì trẻ sơ sinh cần nhiều chất béo hơn trong chế độ ăn uống so với người lớn, nên các mẹ hãy bổ sung các thực phẩm nhiều chất béo cho bé như: các loại hạt, các loại đậu xay nhuyễn; dầu oliu, dầu mè; quả bơ, quả óc chó; các loại cá chứa nhiều chất béo như cá ngừ, cá hồi,… 

Thực phẩm cần tránh đưa vào thực đơn ăn dặm của bé 6 tháng tuổi

Những dấu hiệu cho thấy bé nhà bạn đã sẵn sàng cho việc ăn dặm

Khi bố mẹ nhận thấy bé nhà mình trong giai đoạn từ 4 – 6 tháng tuổi có những dấu hiệu sau đây là chứng tỏ bé yêu đã sẵn sàng để bắt đầu ăn dặm: 

  • Cân nặng của bé đã tăng gấp đôi so với khi sinh – một dấu hiệu cho thấy nhu cầu dinh dưỡng của bé đã vượt lên khả năng đáp ứng của sữa mẹ. Vì thế, bố mẹ nên bắt đầu cho bé ăn dặm vào thời điểm này để cơ thể bé hấp thụ được đầy đủ chất dinh dưỡng.
  • Bé có thể tự ngồi dậy, tự giữ ổn định được phần đầu, tư thế ngồi cân bằng, điều này nghĩa là hệ xương và cơ thể của bé đã cứng cáp. Đây là dấu hiệu cho thấy hệ tiêu hóa của bé đã có thể đảm nhiệm được vai trò tiêu hóa thức ăn đặc.

Dấu hiệu cho thấy bé đã sẵn sáng ăn dặm

  • Bé đã biết dùng tay để nắm lấy thức ăn và cho vào miệng – đây là dấu hiệu cho thấy bé không được cung cấp đủ lượng thực phẩm cho “cái bụng nhỏ” của mình. Mặc dù bé đã được cho bú 8 – 10 lần/ngày nhưng bé vẫn cảm thấy đói, quấy khóc và đòi bú thêm, đây là lúc mẹ cần cung cấp thêm thức ăn từ bên ngoài cho bé và kết hợp cùng sữa mẹ.
  • Bé đã biết hợp tác trong việc ăn uống – bé sẽ có phản xạ đưa môi dưới ra phía trước để đón nhận thức ăn, lưỡi của bé không còn đẩy thức ăn ra khỏi miệng cũng như bé sẽ tự ngoảnh đầu đi nơi khác khi bé cảm thấy không muốn ăn.
  • Bé cảm thấy rất thích thú và háo hức khi thấy bố mẹ ăn gì đó – đây là dấu hiệu mà bố mẹ sẽ thấy qua vẻ mặt háo hức, mong chờ của con khi bé thấy bố mẹ ăn hoặc cầm thức ăn. Bé sẽ đưa tay với lấy thức ăn mà bố mẹ đang cầm và muốn cho vào miệng.
  • Đêm ngủ không yên giấc – đây là dấu hiệu cho thấy “cái bụng nhỏ” của bé con đang đói vì thế bé sẽ trằn trọc, không ngủ yên và muốn ti thêm. Sự thay đổi này là bé muốn “nói” với bố mẹ rằng con đã sẵn sàng ăn dặm.

 

Những điều bố mẹ cần lưu ý khi xây dựng thực đơn cho bé bắt đầu ăn dặm

Theo những nghiên cứu và những kinh nghiệm được đúc kết qua việc chăm sóc sức khỏe của trẻ từ các chuyên gia dinh dưỡng các bé được ăn dặm đúng cách là các bữa ăn được đảm bảo những nguyên tắc sau:

  • Ăn dặm những thức ăn gần giống với sữa mẹ hoặc sữa công thức từ trước của bé để bé làm quen dần với “những món mới lạ”. Mẹ nên tuân thủ nguyên tắc “ngọt – mặn” khi bắt đầu cho bé ăn dặm, bột ngọt sẽ là lựa chọn đầu tiên khi mới tập ăn dặm cho bé vì mùi vị của bột ngọt tương tự với sữa mẹ, rồi dần thay thế bằng bột mặn với nhiều thành phần dinh dưỡng hơn cho bé.
  • Ăn dặm từ loãng đến đặc: trong thời gian đầu bé làm quen với ăn dặm, mẹ nên cho bé ăn bột loãng sau đó tăng dần độ đặc lên. Việc này giúp quá trình ăn dặm của bé luôn được suôn sẻ, đây là nguyên tắc cơ bản giúp hệ tiêu hoá của bé không bị khó khăn khi tiếp xúc với thức ăn lạ.
  • Ăn từ ít đến nhiều: Khi mới bắt đầu tập ăn dặm cho bé, bố mẹ nên cho bé ăn từng chút một để hệ tiêu hóa của bé thích ứng dần với lượng và thành phần thức ăn ngày một phong phú. Các bữa ăn đầu mẹ làm quen cho bé với 5 – 10 ml thức ăn và chỉ ăn 1 bữa/ngày. Khi bé đã bắt đầu quen với việc ăn dặm, bố mẹ sẽ tăng dần lượng thức ăn và cho bé ăn 2 – 3 bữa/ngày
  • Đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng và hợp vệ sinh: khi chế biến bột ăn dặm của bé, bố mẹ cần đảm bảo đủ 4 nhóm thức ăn quan trọng giúp bé phát triển tốt bao gồm: thịt, cá, tôm, cua, trứng, rau, củ, quả và dầu thực vật,… bố mẹ không nên chỉ cho bé ăn bột ăn dặm đóng hộp mà nên chế biến đa dạng các loại bột cho bé. Bố mẹ cần tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc “ăn chín – uống sôi” để luôn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho bé. Nên chọn những thực phẩm, hoa quả tươi ngon, có nguồn gốc rõ ràng, không bị úng, dập nát hay đã trữ quá lâu trong tủ lạnh để không ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa non nớt của bé. 

Những điều không nên làm khi bắt đầu cho bé ăn dặm

Bé sẽ có cảm giác sợ hãi với việc ăn dặm khi bị ép ăn

  • Không ép bé ăn: Ăn dặm đối với bé và cả bố mẹ là một quá trình dài đòi hỏi sự kiên nhẫn, kiên trì của bố mẹ. Bố mẹ hãy từ từ làm quen cho bé, nếu bé háo hức, vui vẻ tiếp nhận đồ ăn thì bé đã sẵn sàng với việc ăn dặm. Ngược lại, nếu bé không chịu ngồi yên hoặc phì thức ăn ra thì bé chưa sẵn sàng với việc đó, nhưng đừng vì thế mà ép con, bố mẹ nhé, vì điều đó sẽ phản tác dụng, khiến bé cảm thấy sợ việc ăn dặm. Tốt nhất là bố mẹ nên cho bé tạm “nghỉ giải lao” việc ăn dặm một vài ngày rồi sau đó hẳn tiếp tục để bé không bị căng thẳng và sợ hãi trong việc ăn dặm.
  • Tạo hứng thú trong việc ăn dặm cho bé: Bố mẹ không nên quá căng thẳng trong việc ăn dặm với bé yêu nhà mình mà hãy biến giờ ăn dặm thành những trải nghiệm đầy thú vị cho các bé yêu nhé. Bố mẹ hãy chọn cho bé một bộ ăn dặm có nhiều màu sắc và hình dáng bắt mắt, ngộ nghĩnh. Ngoài ra, bố mẹ nên chuẩn bị ghế ăn dặm để hình thành thói quen lâu dài cho con và đảm bảo thức ăn không bị nghẹn ở cổ bé. Bố mẹ TUYỆT ĐỐI KHÔNG NÊN cho bé vừa đi vừa ăn, trêu đùa bé hoặc cho bé vừa ăn vừa xem điện thoại, xem tivi.

Không cho bé dùng điện thoại hoặc xem tivi trong lúc ăn

Việc vừa xem tivi hay điện thoại vừa ăn lâu dài sẽ dẫn đến bé bị biếng ăn và có thể gây cận thị

Mách nhỏ bố mẹ về các phương pháp ăn dặm cho bé

Hiện nay có nhiều phương pháp ăn dặm mà bố mẹ có thể tham khảo cho bé yêu nhà mình như: ăn dặm truyền thống, ăn dặm kiểu Nhật, ăn dặm kết hợp kiểu Nhật và truyền thống, ăn dặm tự chỉ huy (Baby Led Weaning). Mỗi phương pháp ăn dặm đều có những ưu điểm riêng, có cách áp dụng và cách chế biến khác nhau. Tuy nhiên, dù bố mẹ có lựa chọn phương pháp nào thì cũng cần phải ghi nhớ những điều cơ bản sau: 

    • Ăn đúng giờ – đúng lượng: Bé cần được ăn 1 – 2 bữa/ngày khi mới bắt đầu ăn dặm và tăng lên 3 – 4 bữa/ngày khi bé đã quen với việc ăn dặm (lưu ý: các bữa ăn của bé phải cách nhau 2 giờ) và bố mẹ nên tạo thói quen ăn đúng giờ cho bé để dạ dày của bé được phát triển tốt hơn. 
    • Kết hợp ăn dặm và sữa mẹ/sữa công thức: bố mẹ cho bé ăn dặm theo nhu cầu của bé và vẫn tiếp tục cho bé bú sữa mẹ hoặc sữa bột theo công thức.
    • Xay/Nghiền nhuyễn thức ăn: Đồ ăn dặm của các bé mới bắt đầu ăn phải được nghiền hoặc xay nhuyễn. 
    • Chế biến đa dạng món ăn: thức ăn của bé cần đa dạng nhóm thực phẩm và không quá ngọt cũng không quá mặn để bé được cung cấp đầy đủ chất.
    • Nên cho bé ăn từng thực phẩm mới mỗi lần: không nên trộn lẫn các loại thức ăn với nhau để có thể biết được nguyên nhân gây ra dị ứng cho bé (nếu có).
Bố mẹ cùng tìm hiểu qua các phương pháp ăn dặm cho bé yêu nhà mình

Phương pháp ăn dặm truyền thống

Phương pháp ăn dặm truyền thống

Ưu điểm:

  • Bố mẹ sẽ dễ dàng biết được bé con nhà mình đã ăn bao nhiêu.
  • Ít gặp phải vấn đề trẻ làm bẩn hay nghịch ngợm đồ ăn.
  • Bé có thể ăn với số lượng nhiều và tăng cân tốt ngay từ những ngày đầu bé tập ăn.
  • Hệ tiêu hóa của bé yêu sẽ được bảo vệ bởi thức ăn đã được xay nhuyễn hoàn toàn.

Nhược điểm:

  • Có thể ảnh hưởng tới khả năng nhai và nuốt của bé sau này do đa phần bé đều ăn thức ăn đã được xay nhuyễn.
  • Mẹ sẽ khó phát hiện bé bị dị ứng với loại thức ăn nào (nếu có) do các thức ăn đều bị trộn lẫn.
  • Bé nhà bạn sẽ dễ bị đi ngoài hoặc táo bón do thường xuyên ăn với số lượng nhiều và quá nhiều chất đạm.

Phương pháp ăn dặm kiểu Nhật

Phương pháp ăn dặm kiểu Nhật

Ưu điểm:

  • Bé được tạo phản xạ nhai và nuốt sớm nhờ việc ăn thô.
  • Thực đơn đa dạng và đầy đủ nhóm chất cần thiết cho bé.
  • Bé được làm quen tốt hơn với mùi vị của từng loại thức ăn. Từ đó, bố mẹ dễ dàng nhận biết bé thích hay không thích hoặc bị dị ứng (nếu có) với món ăn nào.
  • Chế độ ăn nhạt rất tốt cho thận của bé.
  • Tạo thói quen giúp bé tập trung vào bữa ăn, không ăn rong, không vừa ăn vừa chơi.

Nhược điểm:

  • Bố mẹ có thể mất nhiều thời gian và công sức trong việc dạy bé cầm thìa và ngồi ngay ngắn.
  • Phương pháp ăn dặm kiểu Nhật phù hợp nhất với những bố mẹ có nhiều thời gian trong việc chăm sóc con vì phải tốn khá nhiều thời gian chế biến riêng từng loại thức ăn, cũng như cách bảo quản sao cho thức ăn vẫn đảm bảo chất lượng và mùi vị.
  • Bé ăn với số lượng không nhiều và cũng có thể ko tăng cân nhanh ở giai đoạn đầu.
  • Bé có thể chậm tăng cân vì bé cần thời gian để tập làm quen với các nhóm thức ăn khác nhau.

Phương pháp ăn dặm tự chỉ huy (BLW) 

Phương pháp ăn dặm tự chỉ huy (BLW)

Ưu điểm:

  • Giúp bé hình thành thói quen tập trung, tự lập trong ăn uống ở giai đoạn sau này.
  • Hệ tiêu hoá của bé sớm được thích nghi. Bé tăng phản xạ nhai và nuốt nhanh.
  • Bé được khám phá màu sắc, kết cấu và mùi vị của từng loại thức ăn tốt hơn.
  • Bé không bị ép ăn nên tâm lý của bé sẽ được thoải mái hơn và ít khi bị biếng ăn.
  • Bố mẹ sẽ không tốn nhiều thời gian để chuẩn bị món ăn riêng cho bé, vì các món ăn của bé tương tự như các món ăn của người lớn chỉ là sẽ được chế biến dạng mềm hơn.
  • Khi bé đã ăn no, bé sẽ tự dừng lại nên rất ít khi bé bị thừa cân.

Nhược điểm:

  • Khoảng thời gian đầu bé chưa quen nên sẽ ăn rất ít.
  • Bố mẹ sẽ rất khó để xác định lượng thức ăn mà bé đã ăn.
  • Bố mẹ khó xác định bé bị dị ứng với loại thực phẩm nào (nếu có) vì thức ăn được cho vào trong cùng 1 bữa ăn
  • Bé có thể bị hóc thức ăn.
  • Phương pháp BLW là phương pháp cho bé tự do “biến tấu” bữa ăn của mình nên có thể làm vấy bẩn đồ ăn lên đồ đạc và cả chính bé. Mẹ sẽ khá vất vả dọn dẹp sau mỗi bữa ăn của bé.

Mách nhỏ bố mẹ về công thức chế biến và thực đơn cho bé bắt đầu ăn dặm

Thấu hiểu sự đau đầu vì phải suy nghĩ các món ăn dặm cho bé yêu nhà mình của các ông bố bà mẹ, vậy nên dưới đây mình sẽ gợi ý các món ăn dặm vô cùng dinh dưỡng kèm công thức chế biến siêu đơn giản, bố mẹ cùng tham khảo cho bé nhé

  • Thực đơn 7 ngày cho bé ăn dặm:

Thứ 2:

7 giờ 30 sáng: Bột đậu xanh – bí đỏ

11 giờ 30: Bột thịt heo với rau dền

16 giờ 30: Bơ nghiền sữa

Thứ 3: 

7 giờ 30: Cà rốt nghiền

11 giờ 30: Cháo đậu xanh – susu

16 giờ 30: Cháo rau chân vịt

Thứ 4:

7 giờ 30: Cháo sườn lòng đỏ trứng gà

11 giờ 30: Khoai lang trộn sữa

16 giờ 30: Cháo gà nấm rơm

Thứ 5:

7 giờ 30: Súp khoai tây sữa

11 giờ 30: Bột tôm bí đỏ

16 giờ 30: Cháo óc heo đậu Hà Lan

Thứ 6:

7 giờ 30: Cà rốt nghiền

11 giờ 30: Bột rau mồng tơi – cá lóc

16 giờ 30: Cháo khoai lang – lòng đỏ trứng gà

Thứ 7: 

7 giờ 30: Khoai tây tán với sữa

11 giờ 30: Bột đậu phụ – rau ngót

16 giờ 30: Cháo bí xanh – thịt bò

Chủ nhật:

7 giờ 30: Bột cải bó xôi (rau bina)

11 giờ 30: Bột rau dền – đậu phụ

16 giờ 30: Súp sữa bí đỏ

 

  • Cách chế biến bột ăn dặm cho bé:

Bột đậu xanh – bí đỏ:

Cháo đậu xanh bí đỏ cho bé 6 tháng ăn dặm

Nguyên liệu:  (dành cho 1 chén bột khoảng 250ml)

  • Bột gạo hoặc gạo (30g)
  • Bí đỏ (20g)
  • Đậu xanh (20g)
  • 1 muỗng cà phê nhỏ dầu ăn thực vật (5ml)
  • 1 chén nước vừa đủ (250ml)

Thực hiện:

  • Đậu xanh ngâm bỏ vỏ. Bí đỏ gọt vỏ, rửa sạch và cắt thành những khúc nhỏ. Sau đó đem đậu xanh, bí đỏ hấp chín và tán nhuyễn.
  • Cho hỗn hợp đậu xanh, bí đỏ đã tán nhuyễn vào bột/cháo đã được nấu chín, nấu và khuấy đều tay hỗn hợp với lửa nhỏ cho đến khi hỗn hợp hoà quyện vào nhau thì tắt bếp.
  • Cuối cùng mẹ cho thêm một ít dầu ăn thực vật vào nồi bột/cháo của bé và trộn đều lên. Vậy là đã có 1 bát bột thơm ngon cho bé yêu nhà mình rồi.

 

Bột thịt heo – rau dền

Bột ăn dặm cho bé 6 tháng tuổi

Nguyên liệu:

  • Thịt heo nạc: 25g
  • Rau dền: 30g (Không lấy phần cuống)
  • Dầu ăn thực vật: ½ thìa cà phê
  • Bột gạo/gạo: 20g
  • 1 chén nước 250ml

Thực hiện:

  • Thịt lợn mẹ rửa sạch và đem xay/băm nhuyễn.
  • Rau dền rửa sạch, luộc chín, và cho vào máy xay cùng một chút nước luộc.
  • Cho thịt heo đã xay/băm nhuyễn vào phần bột/cháo đã được nấu chín, khuấy đều tay, sau đó mới cho rau dền vào và tiếp tục khuấy đều với lửa nhỏ, khi hỗn hợp đã được đun sôi và hoà quyện vào nhau thì mẹ tắt bếp.
  • Cuối cùng mẹ nhớ cho một chút dầu thực vật vào nồi bột/cháo cho bé và trộn đều nhé! 

 

Bột rau dền – đậu phụ

Bột ăn dặm cho bé 6 tháng tuổi

Nguyên liệu:

  • Rau dền: 20g (không lấy phần cuống)
  • Đậu phụ: 1/3 miếng
  • Bột gạo/gạo: 20g
  • Dầu ăn thực vật: 1 muỗng cà phê (khoảng 5ml)

Thực hiện:

  • Đậu phụ bạn đem tán nhuyễn với một chút nước
  • Rau dền rửa sạch luộc chín rồi đem xay nhuyễn với một ít nước luộc rau.
  • Mẹ cho đậu phụ đã tán nhuyễn vào nồi bột/cháo đã được nấu chín và khuấy đều, sau đó cho phần rau dền đã xay nhuyễn vào và tiếp tục khuấy cho đến khi hỗn hợp bột/cháo sôi lục bục thì tắt bếp.
  • Mẹ nhớ nêm thêm 1 muỗng cà phê dầu ăn vào bột/cháo của bé và trộn đều nhé. Vậy là bé đã có thể măm măm ngon lành rồi.

 

Bơ nghiền trộn với sữa mẹ hoặc sữa công thức

Bột ăn dặm cho bé 6 tháng tuổi

Nguyên liệu:

  • Quả bơ chín: ¼ quả
  • Sữa mẹ/sữa công thức: 50 – 60ml

Thực hiện:

  • Bơ đem rửa sạch, gọt vỏ, thái thành từng lát mỏng và nghiền nhuyễn 
  • Cho sữa mẹ hoặc sữa công thức vào bơ và đánh đều 

Vậy là bé đã có một bữa ăn vừa thơm ngon vừa dinh dưỡng.

Cháo với cải bó xôi

Nguyên liệu:

  • Cháo trắng: 2 muỗng lớn (30ml)
  • Cải bó xôi (rau bina): 30g
  • Dầu oliu: 1 muỗng nhỏ (5 ml)

Thực hiện:

  • Cải bó xôi mẹ đem rửa sạch rồi mang đi luộc sau đó nghiền nhuyễn
  • Thêm phần cải bó xôi đã được nghiền nhuyễn vào cháo trắng đã được nấu chín. Khi hỗn hợp cháo đã sôi lục bục thì tắt bếp. Mẹ có thể đem rây qua lưới để hỗn hợp nhuyễn mịn hơn. 
  • Cuối cùng mẹ cho thêm ít dầu oliu vào hỗn hợp cháo của bé và trộn đều. Vậy là bé đã có 1 bữa ăn siêu ngon và bổ dưỡng rồi.

 

Cháo khoai lang – lòng đỏ trứng gà

Bột ăn dặm cho bé 6 tháng tuổi

Nguyên liệu:

  • Khoai lang: ¼ quả
  • Trứng gà: ½ lòng đỏ
  • Sữa công thức/sữa mẹ: 50ml

Thực hiện:

  • Khoai lang gọt vỏ, rửa sạch và hấp chín
  • Nghiền nhuyễn khoai cùng một chút sữa công thức/sữa mẹ hoặc nước lọc.
  • Cháo đã được nấu chín thì cho khoai lang vào khuấy đều. Thêm ½ lòng đỏ trứng gà vào rồi nấu thêm khoảng 2 phút cho hỗn hợp sôi lục bục thì tắt bếp. Mẹ có thể lọc qua rây 1 lần nữa để hỗn hợp cháo của bé được nhuyễn mịn hơn.

 

Bột bí xanh – thịt bò

Bột ăn dặm cho bé 6 tháng tuổi

Nguyên liệu:

  • Bột gạo: 40g
  • Thịt bò tươi: 20g
  • Bí xanh: 20g
  • Dầu ăn: 1 muỗng cà phê nhỏ (5ml) 
  • 1 chén nước 250ml

Thực hiện:

  • Thịt bò bạn nên chọn phần nạc nềm, không có gân đem rửa sạch và xay nhuyễn.
  • Bí xanh gọt vỏ, rửa sạch, thái thành từng khúc nhỏ và luộc (hấp) chín. Sau đó cũng đem xay nhuyễn
  • Nấu bột gạo/gạo cùng 250ml nước đến khi chín nhừ thì cho hỗn hợp thịt bò và bí xanh đã xay nhuyễn vào và khuấy đều trên lửa nhỏ. Khi bột/cháo sôi lục bục thì tắt bếp.
  • Cuối cùng mẹ cho thêm ít dầu ăn vào hỗn hợp cháo của bé và trộn đều. Vậy là bé đã có 1 bữa ăn siêu ngon và bổ dưỡng rồi.

 

Súp sữa bí đỏ

Bột ăn dặm cho bé 6 tháng tuổi

Nguyên liệu: 20g bí đỏ và 60ml sữa công thức (mẹ nên dùng sữa hay pha cho bé uống để bé dễ làm quen với món ăn nhé)

Thực hiện:

  • Bí đỏ gọt vỏ, rửa sạch, cắt miếng nhỏ rồi luộc (hấp) chín.
  • Sữa bột mẹ nên pha theo đúng tỷ lệ thường pha cho bé.
  • Cho hỗn hợp bí đỏ đã chín và sữa công thức vào nồi và đun trên lửa nhỏ tới khi mềm nhừ. Mẹ nhớ khuấy đều tay để tránh bị dính lại ở đáy nồi nhé. Tắt bếp và nghiền nhỏ hỗn hợp trên qua rây cho bé.

 

Bột rau mồng tơi – cá lóc

Bột ăn dặm cho bé 6 tháng tuổi

Nguyên liệu:

  • Cá lóc phi lê: 30g
  • Rau mồng tơi: 20g
  • Bột gạo/gạo: 20g
  • Hành tím: 1 nhánh
  • 1 chén nước 250ml

Thực hiện:

  • Phần cá lóc mẹ rửa sạch và đem luộc chín. Sau đó mẹ cần lọc bỏ xương, da còn phần thịt đem xay/băm nhỏ.
  • Phi thơm hành và cho phần cá đã xay nhuyễn vào đảo đều cho thơm.
  • Rau mồng tơi cần rửa sạch và luộc mềm. Sau đó xay nhuyễn cùng với ít nước luộc.
  • Bột gạo/gạo mẹ cần nấu chín trước cùng với 250ml nước, sau đó cho hỗn hợp cá và rau vào rồi khuấy đều ở lửa nhỏ đến khi bột/cháo sôi lục bục thì tắt bếp. 
  • Mẹ trộn thêm chút dầu ăn cho bát bột/cháo của bé là bé con đã có món bột rau mồng tơi – cá lóc thơm ngon và bổ dưỡng rồi.

 

Cháo óc heo – đậu Hà Lan

Bột ăn dặm cho bé 6 tháng tuổi

Nguyên liệu:

  • Óc heo: 1 bộ
  • Đậu Hà Lan: 20g
  • Gạo: 20g
  • Dầu oliu hoặc dầu mè: 1 muỗng cà phê (5 ml)
  • 1 chén nước 250ml

Thực hiện:

  • Óc heo rửa sạch hết các gân máu và đánh đều với 1 ít nước sau đó đem hấp cách thuỷ.
  • Gạo ngâm với nước ấm 30p rồi đem bắt lên bếp nấu chung với đậu Hà Lan đã bóc vỏ sạch sẽ khoảng 15p nữa.
  • Cho phần óc heo đã hấp chín vào nồi cháo đang sôi và khuấy đều 2 – 3p, nêm nếm một ít gia vị (không nên quá mặn hay quá ngọt) rồi tắt bếp.
  • Mẹ cho vào bát cháo của bé thêm 1 muỗng cà phê dầu oliu hoặc dầu mè để món ăn của bé thêm bổ dưỡng nhé.

 

Cháo gà – nấm rơm

Bột ăn dặm cho bé 6 tháng tuổi

Nguyên liệu:

  • Thịt gà tươi: 50g
  • Gạo: 40g
  • Nấm rơm, hành tím, hành lá, rau thơm, gừng
  • Dầu thực vật: 5ml

Thực hiện:

  • Thịt gà và nấm rơm đem rửa sạch và băm nhỏ. 
  • Phi hành tím cho thơm lên rồi cho nấm và thịt gà vào đảo đều
  • Mẹ ngâm gạo với nước nóng khoảng 30p rồi đem nấu đến khi cháo nhừ. Sau đó cho hỗn hợp nấm và thịt gà vào cháo, khuấy đều trên lửa nhỏ cho đến khi cháo sôi lục bục thì tắt bếp. Mẹ có thể nêm thêm chút rau thơm và hành lá để mùi vị của cháo được thơm hơn nhé. Vậy là chỉ vài bước đơn giản, bé đã có một món ăn vô cùng thơm ngon, bổ dưỡng.

 

Kết luận

Khi bé yêu chuyển từ sữa mẹ hoặc sữa công thức sang ăn dặm là cả một quá trình dài và vô cùng quan trọng. Cho dù bố mẹ chọn phương pháp ăn dặm tự chỉ huy hay ăn dặm truyền thống, hay phương pháp ăn dặm kiểu Nhật thì tốt nhất nên bắt đầu cho bé ăn trái cây, rau củ mềm để hệ tiêu hoá của bé có thời gian thích nghi tốt nhất. Mong rằng qua bài viết Thực đơn dinh dưỡng cho bé bắt đầu ăn dặm sẽ giúp bố mẹ hiểu hơn về ăn dặm và đỡ băn khoăn trong việc suy nghĩ thực đơn cho bé yêu nhà mình. 

Tham khảo thêm bài viết tại:

Cách nấu cháo ăn dặm cho bé

Bỏ Túi 5 Tuyệt Chiêu Về Cách Nấu Cháo Gà Cho Bé Ăn Dặm Cực Ngon

Bé 6 tháng tuổi ăn được trái cây gì? Mách mẹ 5 món ăn dặm từ trái cây siêu bổ dưỡng

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *